Ngày 2-4, Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện để nắm tình hình triển khai công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiệt hại trước, trong và sau bão số 1 gây ra, ảnh hưởng đến TPHCM.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TPHCM, đến trưa 2-4, bão số 1 sau khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đã đi vào TPHCM, gây thiệt hại tại 24 quận, huyện với 13 căn nhà bị sập hoàn toàn, hơn 400 cây xanh ngã, đổ; hơn 260 căn nhà, trường học bị tốc mái, hư hại nặng. Trong đó, huyện Cần Giờ bị thiệt hại nặng nhất, sập hoàn toàn 13 căn nhà, tốc mái 53 căn, 11 chiếc ghe bị chìm, 133 cây xanh ngã đổ, trong đó có nhiều cây cổ thụ; quận Thủ Đức cũng có 48 căn nhà bị tốc mái, 112 cây xanh ngã đổ… Có 85 tuyến điện trung thế bị sự cố trong chiều và tối 1-4.
Hiện ngành điện lực đã xử lý được 72 tuyến, những tuyến còn lại đang được tiếp tục phối hợp với Công ty Cây xanh và Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy để xử lý trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, cũng đã có 2 sự cố trên đường dây 110 kV gồm tuyến Thủ Đức - Linh Trung 2, đã xử lý xong, riêng tuyến Thủ Đức - An Khánh - Chánh Trung đến 13 giờ ngày 2-4 vẫn đang xử lý. Tuy có thiệt hại nhiều về tài sản nhưng rất may không có sự cố đáng tiếc nào liên quan đến tính mạng người dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, chỉ đạo các đơn vị quận huyện, sở ngành liên quan tiếp tục thống kê các con số thiệt hại về người và tài sản, kịp thời báo cáo để Thành ủy, UBND TP triển khai các giải pháp hỗ trợ; khẩn trương dọn dẹp cây xanh, cáp điện ngã đổ, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, đồng thời rà soát những cây xanh có nguy cơ ngã đổ để có giải pháp khắc phục kịp thời; tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm tại các quận, huyện chưa có phương án chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do cơn bão số 1 gây ra.
Về lâu dài, các ngành xây dựng, tài nguyên và môi trường phải định hướng người dân trong thiết kế, xây dựng nhà ở có thể phòng chống các thiệt hại do bão gây ra; tổ chức tập huấn cho người dân ý thức, kỹ năng di dời khi có bão; bổ sung các phương án cứu hộ, cứu nạn, cứu sập khi có sự cố do thiên tai gây nên.
Trong ngày 2-4, UBND huyện Cần Giờ đã triển khai công tác, bố trí phương tiện để người dân đã di dời trước khi bão xảy ra, được trở về nhà, đồng thời có kế hoạch kiểm tra, thống kê thiệt hại để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống và sản xuất. Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, chậm nhất đến ngày 4-4, các quận, huyện phải hoàn thành công tác thăm hỏi, động viên bà con bị thiệt hại do bão gây ra, tổ chức khắc phục thiệt hại theo phương châm “4 tại chỗ” một cách hiệu quả.
Theo thông tin từ các siêu thị trên địa bàn TPHCM, sức mua dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương không diễn ra như dự kiến ban đầu do ảnh hưởng của bão số 1. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, trong ngày thứ bảy 31-3, sức mua hệ thống Saigon Co.opMart tăng khoảng 20%, nhưng sang chủ nhật 1-4, sức mua đã giảm tới 30% so với những chủ nhật trước. Tương tự, doanh thu tại các hệ thống siêu thị khác như BigC, MaxiMark, SatraMart… trong những ngày nghỉ lễ vừa qua cũng giảm sút đáng kể.
Tại các chợ, nhiều tiểu thương cũng lâm vào tình trạng ế ẩm. Các tiểu thương bán thịt heo ở khu vực chợ Văn Thánh (cũ) cho biết, mưa kéo dài từ sáng đến chiều, khách hàng rất ngại ra chợ nên lượng thịt bán ra chỉ đạt khoảng 1/2 so với ngày trước đó. Để tiêu thụ hết phần thịt còn lại, họ buộc phải bán giá rẻ cho các quán ăn.
Hôm qua 2-4, dù thời tiết đã khá hơn, nhưng nhiều tiểu thương vẫn nghỉ bán để bảo toàn vốn khiến cho nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thủy hải sản, trái cây,… khan hiếm. Theo đó, rau củ quả về các chợ cũng không được ngon như trước. Tại các cửa hàng thời trang, cửa hàng tiện lợi trên đường phố, trong ngày bão vừa qua cũng buộc phải đóng cửa. Theo ghi nhận, dù hàng hóa có bị thiếu hụt đôi chút, nhưng giá cả hầu hết các mặt hàng vẫn tương đối ổn định.
| |
Nhóm PV
>> Bão số 1 hoành hành Đông Nam bộ - Hàng trăm nhà sập, cây xanh gãy đổ