(SGGPO).- Ngày 21-4, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP và UBND quận Bình Thạnh đã đi khảo sát 11 căn nhà bị nghiêng nghiêm trọng tại 2 phường 25 và 26 quận Bình Thạnh, TPHCM. Bình Thạnh là là quận có số lượng nhà nghiêng nhiều nhất, với khoảng gần 100 căn nhà, trong đó có khoảng 11 căn nhà nghiêng rất nặng.
Ghi nhận hiện trường tại căn nhà 98-100 Quốc lộ 13 phường 26 quận Bình Thạnh (3 tầng), căn nhà nghiêng về phía bên phải so với căn nhà bên cạnh khoảng 5cm, bên trong căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, tường bong tróc, cửa nghiêng hẳn về một bên, đồ đạc phải dựa vào tường để có điểm tựa. Chủ nhà cho biết, căn nhà này được xây dựng sau năm 1975, do căn nhà bên cạnh xây dựng nên làm căn nhà này nghiêng theo.
Ông Hoàng Song Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết căn nhà không thể sửa chữa được vì nghiêng quá nghiêm trọng, cần phải được tháo dỡ.
Khảo sát tại căn nhà 192 Đinh Bộ Lĩnh phường 26 quận Bình Thạnh (5 tầng), đang kinh doanh làm khách sạn, ông Lê Anh Khôi, chủ nhà cho biết đang thuê một vài công ty tư vấn, khảo sát để sửa chữa nhưng chưa thương thảo xong vì chưa thống nhất giá. Ông Nguyễn Văn Hiệp đã đồng ý kiến nghị của chủ nhà gia hạn chậm nhất 30-5 phải thuê đơn vị có chuyên môn kiểm định công trình và đưa ra phương án xử lý trình UBND quận Bình Thạnh và Sở Xây dựng xem xét, thông qua để thực hiện sửa chữa công trình.
Căn nhà 726A Xô Viết Nghệ Tĩnh phường 25, quận Bình Thạnh (3 tầng), theo đoàn khảo sát, đây là căn nhà nghiêng nghiêm trọng nhất trong 11 căn. Căn nhà bị nghiêng về phía nhà bên phải, trên đỉnh căn nhà tách hẳn căn nhà bên trái đến khoảng 1m. Bậc thềm vô căn nhà nứt rất nghiêm trọng. Theo người dân xung quanh, chủ nhà đã cho thuê và đi ở nơi khác.
Chủ căn nhà 726 Xô Viết Nghệ Tĩnh (bên phải căn nhà 726A) cho biết, căn nhà bên cạnh bị nghiêng làm ảnh hưởng đến nhà mình: tường trong nhà bị nứt những vệt dài, gạch lót sàn bị tróc…
Ông Hoàng Song Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần mời chủ nhà 726A Xô Viết Nghệ Tĩnh lên làm việc, quận Bình Thạnh cũng đã yêu cầu Công ty Kiểm định Xây dựng Sài Gòn (SCQC) khảo sát sơ bộ căn nhà trên, SCQC đã lập đề cương kiểm định căn nhà và đề nghị chủ nhà xem xét để tiến hành ký hợp đồng kiểm định nhưng chủ nhà chưa ký.
Trong khi chờ thực hiện kiểm định và đề ra biện pháp khắc phục, SCQC cũng đã đề nghị chủ nhà có biện pháp chống đỡ ngay để đảm bảo an toàn cho bản thân công trình này và các công trình lân cận làm việc với chủ nhà nhưng đến nay chủ nhà vẫn chưa “nhúc nhích” gì. Sau khi khảo sát, đoàn khảo sát cho biết căn nhà này đã nghiêng quá nghiêm trọng nên phải tháo dỡ để đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận.
Các căn nhà còn lại được khảo sát, nhiều chủ nhà không ở nhà đó mà đang cho thuê để kinh doanh buôn bán, làm khách sạn hoặc cho thuê để ở. Mức độ nghiêng lún cũng khá nặng.
Sau khi khảo sát, ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết, đầu tuần sau, Sở Xây dựng sẽ có văn bản gửi cho chủ sở hữu 11 căn nhà đã khảo sát để yêu cầu họ thuê đơn vị chuyên môn kiểm định công trình và đưa ra giải pháp xử lý trình cơ quan chức năng xem xét để tiến hành sửa chữa. “Không chỉ có trách nhiệm với tài sản của mình mà chủ nhà còn phải quan tâm đến trách nhiệm an toàn của cộng đồng. Đối với những căn nhà nghiêng nếu không có biện pháo xử lý sẽ không đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân”- ông Hiệp nhấn mạnh.
Về biện pháp xử lý đối với các căn nhà bị nghiêng, theo ông Hiệp, sau khi có kết quả kiểm tra, kiểm định, các công trình nghiêng nằm trong giới hạn cho phép thì sẽ được tồn tại tạm thời nhưng tiếp tục theo dõi và có hướng khắc phục để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Các công trình khác tùy mức độ lún và nghiêng sẽ có hướng xử lý riêng như: tháo dỡ toàn bộ công trình, tháo dỡ một số tầng, chống nghiêng… để công trình được đảm bảo an toàn.
Ngày 21-4, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các quận-huyện hướng dẫn xử lý các công trình gia cố, cải tạo chống nghiêng, lún, nứt.
Theo đó, đối với việc xử lý các sự cố trên mà không làm thay đổi quy mô diện tích thì chủ đầu tư phải nộp hồ sơ bao gồm: Phương án gia cố, cải tạo do tổ chức có năng lực thực hiện. Phương án phải bao gồm những nội dung như khảo sát, đánh giá hiện trạng công trình, sự ảnh hưởng đến các công trình lân cận (nếu có); khảo sát địa chất nơi công trình tọa lạc; đánh giá nguyên nhân dẫn đến công trình bị nghiêng, lún, nứt; phương án gia cố, cải tạo cụ thể; hổ sơ năng lực của tổ chức thượng hiện phương án gia cố, cải tạo; hợp đồng thi công xây dựng và hồ sơ năng lực của nhà thầu thi công xây dựng…
Trong đó, Sở Xây dựng cũng yêu cầu rõ trong thành phần hồ sơ có các loại bảo hiệm theo quy định do chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng mua (bảo hiểm công trình, bảo hiểm cho công nhân và người thứ 3). Trước khi khởi công, chủ đầu tư phải đăng ký việc gia cố, cải tạo công trình với UBND phường, xã, thị trấn nơi công trình tọa lạc để được kiểm tra, theo dõi.
Ngày 21-4, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các quận-huyện hướng dẫn xử lý các công trình gia cố, cải tạo chống nghiêng, lún, nứt. Theo đó, đối với việc xử lý các sự cố trên mà không làm thay đổi quy mô diện tích thì chủ đầu tư phải nộp hồ sơ bao gồm: Phương án gia cố, cải tạo do tổ chức có năng lực thực hiện. Phương án phải bao gồm những nội dung như khảo sát, đánh giá hiện trạng công trình, sự ảnh hưởng đến các công trình lân cận (nếu có); khảo sát địa chất nơi công trình tọa lạc; đánh giá nguyên nhân dẫn đến công trình bị nghiêng, lún, nứt; phương án gia cố, cải tạo cụ thể; hổ sơ năng lực của tổ chức thượng hiện phương án gia cố, cải tạo; hợp đồng thi công xây dựng và hồ sơ năng lực của nhà thầu thi công xây dựng… Trong đó, Sở Xây dựng cũng yêu cầu rõ trong thành phần hồ sơ có các loại bảo hiệm theo quy định do chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng mua (bảo hiểm công trình, bảo hiểm cho công nhân và người thứ 3). Trước khi khởi công, chủ đầu tư phải đăng ký việc gia cố, cải tạo công trình với UBND phường, xã, thị trấn nơi công trình tọa lạc để được kiểm tra, theo dõi. |
Hạnh Nhung