Đào tạo sau đại học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước năm 2006

Khắt khe hơn

Khắt khe hơn

Ngày 16-2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung đã ký thông báo số 1113/TB-BGD-ĐT về việc tuyển sinh đào tạo sau đại học tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước năm 2006. Đây là bước tiếp theo của kế hoạch thực hiện đề án “Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” theo Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 28-04-2005 của Thủ tướng Chính phủ.

  • Ưu tiên các ngành khoa học kỹ thuật- công nghệ
Khắt khe hơn ảnh 1
Học sinh-sinh viên tìm hiểu thông tin tại một hội thảo du học Nhật Bản mới đây. Ảnh: H.N

Năm 2006, Bộ GD-ĐT dự kiến tuyển chọn 120 chỉ tiêu tiến sĩ, 80 chỉ tiêu thạc sĩ để đào tạo toàn thời gian khóa học ở nước ngoài. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT dành khoảng 90 chỉ tiêu để đào tạo một phần thời gian ở Việt Nam, một phần thời gian ở nước ngoài cho các đề án đào tạo phối hợp.

Đối tượng tuyển sinh là giảng viên, cán bộ khoa học-kỹ thuật, quản lý khoa học-kỹ thuật trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn (từ 12 tháng trở lên hoặc không thời hạn, có đóng bảo hiểm xã hội), đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm công nghệ cao, cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị- xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Các nhóm ngành đào tạo là khoa học kỹ thuật, công nghệ và khoa học tự nhiên; nông-lâm-thủy sản; kinh tế-quản lý; y-dược; khoa học xã hội-nhân văn và nghệ thuật. Trong đó, ưu tiên các ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học và Công nghệ vật liệu.

Năm 2006, Bộ GD-ĐT cân nhắc rút kinh nghiệm và chỉ chọn những nước có chương trình đào tạo uy tín, chất lượng như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Nga, Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản… để gửi người đi học.

  • Bồi hoàn nếu bỏ dở khóa học hoặc không về nước làm việc

Năm nay, Bộ GD-ĐT đưa ra các điều kiện và tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với ứng viên dự tuyển. Theo đó, ứng viên phải được xác nhận có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn giỏi, đủ sức khỏe để học tập. Mặt khác, ứng viên phải cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và sau khi kết thúc khóa đào tạo sẽ trở về phục vụ tại cơ sở đã cử đi học hoặc làm việc theo yêu cầu của Nhà nước. Nếu không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc không trở về nước phục vụ sẽ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo theo quy định của Nhà nước.
 
Đối với đào tạo tiến sĩ, Bộ GD-ĐT chỉ tuyển những người có đủ 24 tháng kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực chuyên ngành đăng ký dự thi, kể từ khi tốt nghiệp đại học và có hợp đồng lao động đến ngày 30-6-2006 (không kể thời gian đi học dài hạn tập trung từ một năm trở lên), tuổi dưới 40, có ít nhất một bài báo đăng trên tạp chí khoa học hoặc báo cáo tại một hội nghị khoa học cấp trường trở lên được đăng trong kỷ yếu hội nghị hoặc tham gia đề tài nghiên cứu cấp cơ sở trở lên và đề tài đó đã được nghiệm thu, đã có bằng thạc sĩ phù hợp với chuyên ngành đăng ký đào tạo tiến sĩ, có đủ trình độ ngoại ngữ để phục vụ cho việc học tập tại nước đăng ký đến học, được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý và có công văn cử đi dự thi.

Đối với đào tạo thạc sĩ, Bộ GD-ĐT tuyển những đối tượng có đủ 12 tháng kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực chuyên ngành đăng ký dự thi, kể từ khi tốt nghiệp đại học và có hợp đồng lao động đến ngày 30-06-2006, tuổi dưới 35, có bằng tốt nghiệp đại học phù hợp với ngành đăng ký đào tạo thạc sĩ, có đủ trình độ ngoại ngữ để sử dụng trong học tập tại nước đăng ký đến học, được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý và có công văn cử đi dự thi.

Về môn thi tuyển và kiểm tra ngoại ngữ, Bộ GD-ĐT quy định: người dự tuyển đào tạo tiến sĩ thi môn chuyên ngành và bảo vệ đề cương nghiên cứu; người dự tuyển đào tạo thạc sĩ thi môn cơ bản và môn cơ sở. Người dự tuyển đăng ký đi Pháp, Nga, Trung Quốc không phải dự kiểm tra ngoại ngữ. Người dự tuyển đăng ký đi các nước còn lại và sẽ sử dụng tiếng Anh trong học tập (có thể đăng ký đi Pháp học tiến sĩ bằng tiếng Anh) sẽ do Bộ GD - ĐT tổ chức kiểm tra tiếng Anh (TOEFL nội bộ) tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào giữa tháng 5-2006.

Những trường hợp được miễn kiểm tra ngoại ngữ: người có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở nước ngoài nay đăng ký trở lại nước đó học tập, người có chứng chỉ TOEFL quốc tế (hoặc nội bộ do IIE cấp) đạt 550 điểm hoặc IELTS 6.0 điểm trở lên nếu đăng ký đi các nước Hoa Kỳ, Anh, Úc; đạt TOEFL 500 điểm hoặc IELTS 5.5 điểm trở lên nếu đăng ký đi các nước khác (trong đó có đi Pháp học tiến sĩ) và sử dụng tiếng Anh trong học tập (ngày dự thi lấy chứng chỉ là sau ngày 30-6-2004); người dự tuyển đăng ký đi Đức và sẽ sử dụng tiếng Đức trong học tập có chứng chỉ tiếng Đức ZMP do Viện Goethe cấp; đi các nước và khu vực nói tiếng Pháp có chứng chỉ tiếng Pháp DELF B1 (hoặc DELF ler degré Unité A3 + A4) hoặc TCF Niveau 3 trở lên (ngày dự thi lấy chứng chỉ là sau ngày 30-6-2004).

HƯỜNG NGỌC (tổng hợp)

Thời gian thi các môn và đề cương dự kiến vào các ngày 5, 6, 7-5-2006.

Để biết thêm thông tin chi tiết, liên hệ Ban điều hành 322 - Bộ GD-ĐT, phòng 302 nhà B, 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP Hồ Chí Minh, số 3 Công trường Quốc tế, Q3.

Tin cùng chuyên mục