
Từ ngày 12-11, Tuần san SGGP Thứ Bảy mở diễn đàn để bạn đọc trao đổi về một số hiện tượng văn hóa gần đây. Sau khi diễn đàn mở ra, Tuần san SGGP Thứ Bảy nhận được không ít ý kiến phản hồi. Tuần san xin tổng hợp các luồng ý kiến, đồng thời khép lại diễn đàn.
Đa số các bậc phụ huynh, những người lớn đồng tình với các ý kiến đã nêu ra trên diễn đàn, cho rằng giới trẻ ngày nay quả thật rất đáng “thở dài” nhưng các giải pháp thì mỗi người mỗi kiểu với các ý kiến khá chung chung.

Mới hay, các phạm trù như lối sống, đạo đức, văn hóa… là khó có “mô hình thuyết phục” để điều chỉnh và góp phần hạn chế “sự hạ cấp, tầm thường trong đời sống văn hóa, sự rối ren, lệch lạc trong các chuẩn mực văn hóa” (GS. Tương Lai) như tham vọng của một số phụ huynh cũng như các nhà xã hội học. Nói thế không phải để chúng ta bi quan rằng đã “hết thuốc chữa”, vấn đề là thuốc nào đây?
Cơ sở xã hội - sự định hướng giá trị
Nước ta vẫn là một trong những nước nghèo nhất, tỷ lệ nghiện ngập (ma túy, rượu, thuốc lá, game-online…) cũng thuộc vào hàng cao (và còn nhiều thứ không mấy tự hào nữa chưa kể hết ra đây). “Không có hiện tượng đạo đức nào là không xuất phát từ những tác động xã hội” (GS. Tương Lai), vậy nên khó trách và càng khó đổ lỗi cho giới trẻ, bởi thế hệ họ đối mặt với vô vàn bối rối, ngổn ngang trên “xa lộ thông tin”.
Sự đảo lộn của các giá trị và chuẩn mực, kết hợp với mặc cảm thua sút, tụt hậu từ tiềm thức, từ quá khứ thiếu thốn, khổ cực của ông bà, cha mẹ khiến họ lao vào mọi thứ phù phiếm và hầu như chỉ còn biết đến Internet, đến hip-hop, đến các danh thủ bóng đá, ngôi sao ca nhạc và phim ảnh, hoa hậu, siêu mẫu… Họ sành những điều đó nhiều hơn là biết về các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc trong quá khứ.
Họ cũng đa dạng về các hệ thống thang bậc giá trị trong xã hội… “Bảo chúng tôi chỉ sống bề ngoài, bề nổi, chạy theo mọi thứ sành điệu nhảm nhí, không có gì sâu sắc bên trong… Vậy hãy nhìn mà xem, có phải hiện nay người ta chỉ nhìn, chỉ xét con người ở bề ngoài của họ?” (nhiều độc giả trẻ).
Vậy đó, đa số giới trẻ thì phản đối (tất nhiên!), họ cho rằng đã đến lúc cần tôn trọng “văn hóa cá thể”, người lớn cần để họ tự do chọn lựa cách sống, cách thể hiện, cách chứng tỏ mình… “Con người là con người của tôi và tâm hồn là của riêng tôi, tôi muốn làm gì nó thì làm, kể cả tước bỏ hay hủy hoại nó, người khác chỉ có thể làm khán giả thôi, không có quyền phán xét…”. Một lập luận nghe qua tưởng rất… có lý nhưng lại cực kỳ nguy hiểm.
Văn hóa cá thể
Cốt lõi của văn hóa là cách thức người ta giao tiếp với nhau, cách người ta xử lý quan hệ giữa mình và cộng đồng, cách nhìn nhận và xử lý khái niệm “bản thân” và “công chúng”.
Chúng ta biết rằng văn hóa thực sự là ở trong đầu, ở tâm hồn, là khả năng tư duy, đánh giá và ra quyết định độc lập, một cách có lý, không phải ở bên trên hay bên ngoài lớp hàng hiệu, chiếc xe đẹp hay những hình xăm... Trí tuệ, tư duy sáng tạo tạo ra văn hóa, vật chất chứ không phải vật chất hay văn hóa quy định ngược lại. Cái gọi là văn hóa cá thể do vậy chỉ là một chiếc áo trông có vẻ mới, có vẻ hay ho nhưng là chiếc áo của người khác hoặc chiếc áo của tương lai!
“Tâm lý đốt đền”
Có 2 cách thông thường và khá phổ biến để trở nên nổi tiếng: một là xây đền, hai là đốt đền.
Xây đền thì khó, cần nhiều thời gian, trí não, công sức… đầu tư, tức không dễ. Đốt đền dễ lắm, chỉ cần một mồi lửa. Bởi vậy thời nay lắm kẻ chọn con đường tắt ấy để đi đến sự nổi tiếng. Sự lập dị, chơi nổi, muốn khác người, hơn người, muốn nổi tiếng bằng mọi cách… cũng xuất phát từ tâm lý “đốt đền” nói trên. Nhân đây, xin được trở lại một vấn đề cũ nhưng luôn luôn mới: Vẻ đẹp của ý nghĩ và tâm hồn ẩn sâu bên trong, bên dưới mọi lớp vỏ, nằm trong mục đích tự thân của tư duy và sáng tạo, của sự tồn tại và ý thức đầy đủ về sự tồn tại.
Sức mạnh của một người được tạo nên bởi sự hiểu biết, và rằng văn hóa không phải là thứ có thể vay mượn hay tráo đổi, cũng như năng lực và tư duy không thể vay mượn hoặc bắt chước, điều này giống như một người thích khoác lên người chiếc áo không phải của mình để rồi loay hoay, bùng nhùng trong đó…
Song Phạm