Khi cô đơn, con cần tìm đến ai?

Khi một học sinh quyết định tìm đến cái chết, cho dù do nguyên nhân gì chăng nữa, đó là một điều quá đau lòng, chẳng gì có thể lấy lại được.

Gia đình là điểm tựa

Điều quan trọng trước tiên là cha mẹ cần đặc biệt có sự quan tâm, chia sẻ và đồng hành cùng con. Không ai có thể thay thế vai trò của cha mẹ. Thầy cô cũng là những người quan tâm tới trẻ, lắng nghe và phát hiện sớm các vấn đề của trẻ. Từ việc được học sinh đặt tin tưởng, thầy cô từng bước giáo dục học sinh biết đối mặt với khó khăn, có ý chí vượt qua khó khăn. Thầy cô cũng có thể chia sẻ, thấu hiểu những khó khăn của các em và đưa ra những lời khuyên giúp các em. Nhưng giáo viên không có chuyên môn gì về phân khoa tâm thần…

Tâm sinh lý của người trẻ chưa thật sự vững vàng nếu không có gia đình quan tâm, hỗ trợ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tâm sinh lý của người trẻ chưa thật sự vững vàng nếu không có gia đình quan tâm, hỗ trợ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Học sinh ngày nay dễ bị cô đơn. Khi không hài lòng với những điều mong muốn, trẻ thường rơi vào trạng thái dễ kích động, dễ xúc động và có thể manh động. Trầm cảm là căn nguyên phổ biến nhất dẫn đến tự tử ở lứa tuổi học đường. Điều này gây ra sự chú ý và quan tâm của toàn xã hội đối với vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên.

Vấn đề tâm lý của các em không hẳn chỉ từ các áp lực học tập, hay các xung đột từ mối quan hệ với bạn bè, thầy cô. Quyết định tự tử có thể còn do vấn đề từ chính nội tại của học sinh ấy, tức là khả năng chấp nhận, khả năng ứng phó, khả năng giải quyết vấn đề của em còn kém và phần nhiều đến từ bệnh lý.

Chúng ta cần nhìn rõ điều này để thấy rằng các vấn đề trầm cảm của học sinh thường xuất phát từ gia đình, từ việc chưa đủ quan tâm đến các nhu cầu tâm sinh lý của con, chưa dành đủ thời gian để lắng nghe, trò chuyện cùng con… Và cũng cần phân biệt đâu là những hành vi nổi loạn của tuổi dậy thì như cáu kỉnh, tránh né việc đi học, suy giảm kết quả học tập, hay than phiền, không tập trung... với những dấu hiệu cảnh báo của các bệnh về tâm lý. Do vậy, gia đình vẫn là điểm tựa, là mái nhà để con trú ẩn mỗi khi con thấy cô đơn.

Nhận diện sớm để giảm nguy cơ

Trong sự việc tự tử của một em học sinh lớp 10 trường chuyên mới đây, tôi cho rằng việc tạm đình chỉ công tác giáo viên chủ nhiệm là không cần thiết. Chúng ta cần xác định, giáo viên chủ nhiệm của lớp đó có phải là người trực tiếp tác động đến quyết định của học sinh đó không?

Nếu nói là thiếu trách nhiệm thì có rất nhiều người liên đới trách nhiệm, trong đó cha mẹ là người đầu tiên phải biết các vấn đề tâm sinh lý của con. Lý do đưa ra cho việc tạm đình chỉ công tác giáo viên chủ nhiệm là vì gia đình phản ánh việc xin chuyển lớp của em không được nhà trường giải quyết kịp thời. Nhưng liệu rằng, khi được chuyển qua lớp khác, ở một môi trường mới thì những vấn đề nội tại của bản thân học sinh đó được giải quyết hay không? Tôi cho rằng không thể giải quyết vấn đề trầm cảm, tâm lý chỉ bằng việc chuyển lớp đơn giản. Có khi nếu giáo viên đề xuất giải pháp chuyển lớp hoặc chuyển trường cho học sinh, chưa chắc phụ huynh chấp nhận. Phụ huynh sẽ không chấp nhận con họ đang có những vấn đề mà giáo viên đưa ra. Có thể phụ huynh sẽ cố tình tránh né, có khi là phản bác những biện pháp giáo dục hay các hình thức nhắc nhở của nhà trường. Cũng có khi họ lại cho rằng, giáo viên thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm, muốn đùn đẩy công việc cho người khác.

Không khó để nhận diện sớm nguy cơ trầm cảm, bạo lực học đường nhưng lại rất khó có một giải pháp hữu hiệu, triệt để. Đối với trẻ có các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm, gia đình cần đưa các em đến gặp các nhà chuyên môn để thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Đối với trẻ có biểu hiện, có ý tưởng và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự tử, cần có sự giám sát thường xuyên của cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Đa phần những dòng tin nhắn hay những lời nhắn nhủ trước khi trẻ tự tử đều mong muốn những người thân của mình sống vui và bình an. Bản thân các em vẫn thấy cuộc sống này tươi đẹp, nhưng chỉ là các em cảm thấy bế tắc, không đủ động lực để vượt qua. Trước những lúc ấy, giá như chỉ cần có một cánh tay chìa ra, dìu các em bước qua đoạn đường chông gai, sỏi đá, dẫu có chút mệt mỏi cũng không buông, để biết rằng mình còn rất may mắn ở trên cuộc đời này.

Gia đình hay nhà trường đều là những cái nôi để nuôi dưỡng trẻ về tâm hồn và thể xác phát triển theo hướng tích cực, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách của trẻ. Trẻ sẽ hình thành những thói quen tốt và những phẩm chất ưu tú khi mỗi gia đình có định hướng rõ rệt, có một phương pháp giáo dục khoa học và nhất là cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội mới có thể đạt hiệu quả như mong muốn.

Tin cùng chuyên mục