Khi cổ vật “bốc hơi”

Ngay trong những ngày cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, thông tin việc hàng loạt cổ vật và hiện vật quý bị kẻ gian lấy đi tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê, đình Đại Định, chùa Du Dự và chùa Từ Châu (đều thuộc Hà Nội) khiến dư luận xôn xao.

 Chỉ trong vòng một tháng, gần 30 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm bị kẻ gian lấy trộm, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo quản, bảo tồn, bảo vệ cổ vật, di vật quý. 

Để tìm cách ngăn chặn vấn nạn “hiện vật không cánh mà bay” này, các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa đều cho rằng mất cổ vật, hiện vật, nguyên nhân đầu tiên là do công tác quản lý bảo vệ các di tích văn hóa chưa được nhìn nhận đúng mức, còn buông lỏng, tùy tiện. 

Thực tế cho thấy, đình, chùa, miếu mạo ở nước ta là không gian mở, không có thành cao hào sâu nên dù đóng cửa vẫn không hoàn toàn khép kín. Chính vì vậy, đây được coi như “mỏ vàng” cho kẻ gian trộm cắp cổ vật, di vật. Trước đây, việc trông coi đình, đền và các cổ vật thường được “mặc định” giao cho các cụ cao tuổi, thủ từ, thủ nhang hoặc sư trụ trì trông coi, thậm chí có nơi còn không có người trông coi. Những năm gần đây, công việc này được giao cho ban quản lý di tích của địa phương. Một số địa phương đã tăng cường các biện pháp để tổ chức bảo vệ cổ vật, hiện vật giá trị. Một vài di tích đã đưa các cổ vật đặc biệt giá trị vào hậu điện hoặc có các thùng, két để bảo vệ… Nhưng như vậy chưa đủ, nhiều cổ vật hàng trăm năm tuổi, có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc độc đáo, quý giá đã bị lấy cắp.

Mỗi cổ vật đều có gốc tích và ý nghĩa lịch sử, văn hóa riêng gắn liền với một địa danh, vùng đất nào đó. Đối với những cổ vật đang được cất giữ, thờ cúng tại các đình chùa, di tích văn hóa - lịch sử thì đó chính là bảo vật, là linh hồn của di tích. Cũng bởi nỗi lo này nên từ nhiều năm nay, các cụ cao tuổi ở thôn Nhật Tảo, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội đã tự mình cất giấu chuông đồng quý hiếm hơn 1.000 năm tuổi - hiện vật vừa được công nhận là “bảo vật quốc gia”. Không những bí mật chỗ cất giấu mà muốn mở được khóa, đưa chuông ra ngoài phải nhận được sự đồng ý của cả 3 cụ ở thôn - những người được giao trọng trách giữ 3 chìa khóa. Lo sợ bị mất báu vật nên rất nhiều người sinh ra và lớn lên ở làng cũng chưa từng được tận mắt thấy chuông đồng chứ đừng nói tới việc hiểu được nét tinh xảo, độc nhất vô nhị của cổ vật. Rõ ràng, việc “sơ tán” là để bảo vệ cổ vật, đồ thờ tự an toàn nhưng vô tình đã tách chúng khỏi không gian di tích. Tuy nhiên, trong tình trạng mất cắp cổ vật tràn làn như hiện nay, với các cơ sở thờ tự, đó là việc làm chẳng đặng đừng.

Vấn đề cần đặt ra là trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào? Ai cũng biết rõ di tích, di vật thuộc về cộng đồng nên chính quyền địa phương và cộng đồng phải có trách nhiệm bảo vệ nhưng có lẽ cũng bởi chính quan niệm “cộng đồng” trách nhiệm đó mà khi xảy ra mất cổ vật chưa cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Di sản thì vô giá mà Luật Di sản không quy định rõ trách nhiệm khi cổ vật tại đình, chùa bị mất cắp. Nhưng không phải vì thế mà chính quyền địa phương “khoán trắng” trách nhiệm bảo vệ di tích cho người dân hoặc người được giao trông coi di tích. Thế nên, để bảo đảm an ninh ở khu vực các di tích, cần xác định và làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác cần phân cấp mạnh hơn để chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu chịu trách nhiệm chính với sự an toàn và nguyên vẹn của di tích, di sản. 

Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, nếu nạn “chảy máu” cổ vật không sớm được ngăn chặn thì cổ vật Việt Nam dù có phong phú, đa dạng đến mấy cũng sẽ bị mất hết. Và mất mát sẽ không chỉ đo đếm bằng các con số mà lớn hơn đó chính là những giá trị văn hóa, tinh thần và cả tín ngưỡng, điều đó thì không gì có thể bù đắp được. 

Tin cùng chuyên mục