Chỉ trong vòng nửa tháng 12, Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 7 công ty đại chúng do đã vi phạm Nghị định 36/2007 của Chính phủ. Đây không phải là sự kiện mới xảy ra trên thị trường chứng khoán mà đã có từ lâu và còn tiếp diễn dài dài do thái độ “ngây thơ cụ” của các công ty này.
Xem lại các quyết định xử phạt gần đây của Chánh thanh tra UBCKNN thì các công ty đại chúng thường vi phạm việc tăng vốn điều lệ và phân phối cổ phiếu không đúng quy định của pháp luật. Điều này vi phạm Điểm c, Khoản 2, Điều 9, Nghị định 36/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Công ty cổ phần (CP) Miền Đông tăng vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng lên 33 tỷ đồng, Công ty CP Licogi 18 chào bán chứng khoán tăng vốn từ 18 tỷ đồng lên 35 tỷ đồng, Công ty CP Sông Đà Thăng Long bán cổ phần tăng vốn từ 40 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng... Cả ba công ty này đều bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Tương tự, Công ty CP Mai Linh chào bán cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ khá lớn, từ 380 tỷ đồng lên 980 tỷ đồng nên bị phạt 50 triệu đồng. Chỉ có Công ty CP Xây dựng Số 5 bị phạt tới 50 triệu đồng mặc dù vốn tăng nhỏ: từ 21 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng.
Ngoài việc tăng vốn không đúng quy định, các công ty còn vi phạm do báo cáo không đúng thời hạn quy định của pháp luật. Khung hình phạt này từ cảnh cáo đến phạt tiền ở mức tối đa là 50 triệu đồng. Các công ty như Công ty CP Licogi 18, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã bị phạt 10 triệu đồng vì “phạm” trường hợp này.
Việc tăng vốn hay chậm báo cáo xét ra hậu quả chưa nghiêm trọng bằng việc công bố thông tin, báo cáo tài chính sai sự thật, gây hiểu lầm cho công chúng đầu tư trên thị trường. Thế mà mức xử lý vi phạm cũng chỉ khoảng từ 30 đến 50 triệu đồng. Cụ thể như trường hợp của Công ty CP Viglacera Từ Sơn (sàn HaSTC).
Có công ty niêm yết như Thủy sản Minh Phú đã phát hành cổ phiếu cho cán bộ trong công ty nhưng không gửi tài liệu thông báo đến UBCKNN, không công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 10 ngày phát hành cổ phiếu cũng chỉ bị phạt tổng cộng 30 triệu đồng.
(Khi đã bị bắt giò) hầu hết các công ty đều thừa nhận tất cả các hành vi vi phạm của mình và những thông báo xử phạt đều có công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng, hiện tượng vi phạm không chấm dứt vì hình phạt của UBCKNN đối với các công ty này, nhiều người cho là quá nhẹ.
Có những trường hợp công ty vi phạm luật lại viện ra lý do nghe rất buồn cười. Như trường hợp Công ty CP Mía đường Cần Thơ và Mía đường Quảng Ngãi đã phát hành cổ phiếu thưởng mà không xin phép UBCKNN hoặc xin phép không đúng thời hạn quy định, rồi nói rằng do công ty hoạt động ở vùng sâu, vùng xa nên không kịp thời nắm bắt các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán!
Theo anh Lê Trường, chuyên gia Công ty Chứng khoán Kim Eng, việc bị phạt vài chục triệu đồng đối với một công ty có vốn hàng trăm tỷ đồng không là gì cả. Các cổ đông “đại gia” (trong hội đồng quản trị) chậm công bố thông tin để bán ra khối lượng lớn cổ phiếu lãi vài tỷ đồng thì việc đóng phạt 30 triệu đồng cũng chẳng có gì “đau đớn”. Vì thế, việc các công ty đại chúng, các cổ đông “đại gia” vi phạm nhiều điều khoản với thái độ “ngây thơ” vẫn còn tiếp tục khi họ làm bài toán: thực hiện đúng quy định của pháp luật với đóng phạt, cái nào lợi hơn?
Nếu cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán không có những biện pháp nặng hơn, nghiêm minh hơn thì không ít công ty đại chúng cứ tiếp tục giở trò “ngây thơ cụ” để được lợi!
LƯƠNG MINH