Khi giáo dục không còn rẻ

Ngày 3-5, Trung tâm Sức khỏe thần kinh quốc gia Orygen công bố một báo cáo cho biết sinh viên là đối tượng mắc các vấn đề về sức khỏe thần kinh nhiều hơn các đối tượng khác. 
Sinh viên quốc tế tại Australia. Ảnh minh họa
Sinh viên quốc tế tại Australia. Ảnh minh họa
Bản báo cáo đã xác định một số nguyên nhân chính khiến sinh viên phải vật lộn với sức khỏe tâm thần của mình, bao gồm thiếu ngủ, dinh dưỡng nghèo nàn, sống xa gia đình, cảm giác bị cô lập giữa các sinh viên quốc tế, áp lực học tập, công ăn việc làm không chắc chắn và căng thẳng tài chính. Tuy nhiên, trong các nguyên nhân trên thì học phí tăng cao và lo lắng việc làm tạo nên căng thẳng cho sinh viên. 
Ông Jeremy Cass, nhà tâm lý học và nhà quản lý dịch vụ tư vấn tại Trường ĐH RMIT ở Melbourne cho biết, ước tính nhu cầu dịch vụ tư vấn sức khỏe tăng 10% tại trường này chỉ trong năm ngoái, tập trung ở 2 dịch vụ chính là trầm cảm và lo lắng. Tuy nhiên, nếu như nhu cầu gia tăng này được ghi nhận ở trường RMIT năm ngoái thì đang xảy ra với các trường đại học khác hiện nay. Năm 2013, cơ quan bảo trợ cho hiệp hội dịch vụ sinh viên ở Australia và New Zealand, ANZSSA cũng đã phát hiện ra rằng các dịch vụ tư vấn sức khỏe cũng đã có những báo cáo về tình trạng ngày càng có nhiều sinh viên có vấn đề về sức khỏe thần kinh.
Theo ông Vivienne Browne, một chuyên gia cấp cao của Orygen, nhiều sinh viên phải làm việc bán thời gian và toàn thời gian. Tức là học suốt cả ngày và làm việc ban đêm. 
Một báo cáo của Hiệp hội Các trường đại học Australia năm 2013 đã thừa nhận, hầu hết các sinh viên hiện nay đều đang sống dưới mức nghèo khổ và so với năm 2006 thì số nợ tăng hơn 30%. 2/3 sinh viên đại học luôn trong tình trạng lo lắng về tài chính. Riêng học sinh bị căng thẳng về tài chính bị báo cáo vướng các triệu chứng tâm thần gấp đôi so với sinh viên không có lo lắng về tiền bạc. 
Có hơn 1,4 triệu sinh viên đại học ở Australia. Con số này tăng lên đáng kể từ năm 2008, sau một cuộc điều tra với mục tiêu đưa khoảng 40% những người từ 25 - 34 tuổi có bằng đại học hoặc cao hơn vào năm 2020. Mức tăng cho đến nay gần như đã đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, hậu quả của sự gia tăng này là bằng cử nhân tràn lan và giá trị của tấm bằng này bị xem nhẹ. Tỷ lệ việc làm sau khi có bằng cử nhân giảm mạnh và muốn có việc làm dễ hơn thì phải có bằng thạc sĩ. Chính vì vậy, sinh viên càng mắc nợ nhiều hơn vì học lên sau đại học. 
Báo cáo của Orygen được công bố chỉ 2 ngày sau khi Chính phủ Australia, ngày 1-5, loan báo đề xuất cải cách giáo dục đại học. Theo đó, xem xét các khoản cắt giảm lớn đối với nguồn tài trợ cho các trường đại học. Dự kiến, học phí sinh viên sẽ tăng 7,5% từ năm 2021. Chính phủ Australia đang lên kế hoạch dừng việc tăng-giảm lãi suất vay theo mức lạm phát và thay vào đó sẽ đổi sang mức lãi suất trái phiếu 10 năm với giới hạn tối đa lên tới 6%. Quyết định về ngân sách đã dấy lên những lo ngại rằng lãi suất kép sẽ khiến tổng số tiền phải thanh toán trong cuộc đời một sinh viên đã tốt nghiệp tăng cao. Nhiều người đã phản đối, tại sao phải cắt giảm ngân quỹ cho giáo dục để tiết kiệm ngân sách. Tại sao các sinh viên đại học phải trả nhiều tiền hơn trong khi chính phủ đang trao tặng mức giảm thuế trị giá hàng chục tỷ đô la trong 10 năm tiếp theo cho các doanh nghiệp?

Tin cùng chuyên mục