Khi giao thông... không thông

Khi giao thông... không thông

Mặc những nỗ lực của các địa phương, cứ “xuân về, Tết đến” nạn lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán lại rộ lên, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn giao thông của TPHCM.

Trong 3 đêm, từ 19 đến 21-12-2005, chỉ trên tuyến đường Hai Bà Trưng, Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1 đã xử lý 39 trường hợp vi phạm hành chính, lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán. Tất cả những vi phạm bị xử lý đều là buôn bán hàng “xôn” chiếm dụng làm lề đường.

Khi giao thông... không thông ảnh 1

Chủng loại mặt hàng “xuống đường” tuy đa dạng, nhưng thực tế cũng có phân vùng hẳn hoi. Tại khu vực công viên Lê Văn Tám là “điểm hẹn” của các xe đẩy tay. Từ Trần Cao Vân đến Điện Biên Phủ và từ Võ Thị Sáu xuống giao lộ Trần Quang Khải - Hai Bà Trưng là khu vực bán các mặt hàng giày dép, quần áo, túi xách… Có kẻ bán thì có người mua, nhiều người mua cứ ngồi trên xe để mua hoặc đứng tràn xuống lòng đường vừa cản trở lưu thông vừa mất trật tự mỹ quan đô thị.

Trên toàn địa bàn quận 1 và trên nhiều tuyến đường lớn khác của thành phố… cũng diễn ra nạn lấn chiếm lòng lề đường. Trên đường Lê Duẩn nhiều người tụ tập dừng phương tiện trên vỉa hè góc đường Lê Văn Hưu hoặc bày bán vé số trên vỉa hè; đường Đồng Khởi bát nháo cảnh bán xôi, thuốc lá; trên đường Nguyễn Huệ bày đầy ghế bán quán cóc trên vỉa hè...

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, xung quanh các chợ Bến Thành, Tân Định, Đa Kao, chợ Cô Giang, Tôn Thất Đạm, Dân Sinh, Cầu Kho… cảnh bày bán hàng hóa ra ngoài phạm vi cho phép, dừng đậu phương tiện mất trật tự cản trở giao thông, đổ rác - xả rác gây mất vệ sinh khá phổ biến. Trong khi đó tại xung quanh hầu hết các công viên trên địa bàn quận 1 đều có nhiều buôn bán hàng rong.

Mặc dù cho đến trước dịp Noel, nhiều quận đã cẩn thận lên kế hoạch khá chu đáo để phối hợp với các lực lượng chuyên trách ra quân tập trung xử lý tệ trạng này nhưng cũng mới dừng lại ở việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Bởi vì theo thừa nhận của ông Nguyễn Thế Định, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1, việc xử lý các đối tượng vi phạm là rất khó khăn, vì nhiều lẽ.

Trước hết là theo khung quy định, mức phạt còn quá thấp, chỉ từ 20.000đồng đến 40.000 đồng/lần xử phạt đối với các trường hợp buôn bán nhỏ trên lề đường - có nghĩa tính răn đe rất thấp, nếu không muốn nói là không đủ sức răn đe.

Theo điều 46 Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính, chỉ có chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở, cấp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có quyền quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính (ở đây là hàng hóa bày bán trên lề đường) - tức là thẩm quyền của lực lượng trật tự đô thị trong nhiều trường hợp còn rất hạn chế.

Một khó khăn khác là đa số người buôn bán lề đường không mang theo giấy tờ tùy thân, hơn nữa rất nhiều người là từ các địa phương khác vào buôn bán trên vỉa hè, lề đường thành phố, chứ không phải là người dân cư trú tại đây, vì thế việc xử lý không đơn giản.

Rõ ràng vẫn còn nhiều lấn cấn cần được “xử lý” trước khi có thể nói đến yêu cầu xử lý những người lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán. Bởi vì nếu chỉ dừng lại ở việc “đuổi đi” thì có khác gì như bắt cóc bỏ dĩa - một khi lực lượng chức năng rút đi, thì người buôn bán nhỏ lại… đâu trở về đó, tiếp tục lấn chiếm. 

Thanh Cần - Quốc Trọng

Tin cùng chuyên mục