
“Công việc ngập đầu, hiếm hoi lắm cả nhà mới tề tựu đông đủ để ngồi ăn bữa cơm”, anh bạn tôi than vắn thở dài. bây giờ là thời đại vợ chồng, con cái mạnh ai nấy ăn.
- Chuyện nhà Tí

Khi bên mâm cơm gia đình không còn đông đủ các thành viên (ảnh chỉ để minh họa). Ảnh: CAO THĂNG.
Anh lật đật nuốt vội miếng cơm hộp mua đầu hẻm rồi giục thằng con: “Nhanh lên kẻo trễ giờ học”. Thằng Tí con anh nhồm nhoàm một miệng thức ăn rồi buông vội đũa: “Hôm nay cơm bà Tám sao dở tệ bố ạ “, thằng Tí leo lẻo rồi theo bố ra cổng. Từ khi vào lớp 2, thằng Tí đã được nếm mùi cơm hộp của bà Tám.
Cứ 6 giờ chiều mỗi ngày, kể từ khi Tí học thêm môn tiếng Anh, hôm nào hai bố con anh cũng tranh thủ ăn uống qua loa. Hôm tôi đến chơi, trông anh gầy hơn nhiều so với khi chưa lấy vợ. Chị là trưởng phòng marketing của một công ty nước ngoài, công việc rất bận rộn. Còn anh, một chàng trai từ quê lên phố, học xong đại học được nhận về làm tại một cơ quan nhà nước ở thành phố.
Công việc cũng nhàn nên khi thằng Tí chào đời rồi đi học lớp mầm, lớp lá và đến bây giờ là lớp 2, anh trở thành một người bố đảm đang: Sáng 6 giờ, anh đã dậy đưa Tí đi học, trong khi chị đang ngon giấc. Trưa thì mạnh ai nấy ăn tại nơi làm việc. Tối anh đón Tí về rồi chở Tí đi học thêm tiếng Anh. Còn chị thì hôm nào về sớm cũng 9 - 10 giờ tối. Chủ nhật là cơ hội cho cả nhà được gần nhau nhưng cũng thật hiếm vì thỉnh thoảng chị lại đi công tác vài ba tuần...
- Chuyện không của riêng ai
Câu chuyện kể trên chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện tương tự về gia đình hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn. Cuộc sống tất bật khiến người ta không còn thời gian để quan tâm đến nhau, bữa cơm gia đình trở nên nguội lạnh. Các cụ ngày xưa vẫn thường bảo: “Cục than hồng trong bếp là lò sưởi ấm cho hạnh phúc gia đình” nhưng ngay cả bếp gas tiện lợi là thế mà cũng hiếm khi được bật lên.
Hôm tôi ghé thăm nhà cô bạn gái thời sinh viên, khi ra nhà bếp, thấy cái bếp gas hiệu Rinnai mà tôi tặng hai bạn từ ngày đám cưới vẫn còn mới nguyên. “Tao có mấy khi nấu nướng gì đâu mà cũ”, bạn tôi cười khi tôi thắc mắc về sự nguội lạnh của căn bếp sang trọng. Bạn tôi dẫn ra hàng loạt những lý do để biện minh cho việc bếp lửa gia đình không nồng đượm.
Khi xã hội tiến lên những tầm mức mới với dịch vụ tiện ích, phục vụ những bữa cơm hàng ngày một cách đầy đủ thì những bữa cơm truyền thống kiểu gia đình Việt Nam ngày càng ít đi, hay nói một cách hoa mỹ hơn là mâm cơm của mỗi gia đình không còn tròn nữa. Thật hiếm hoi khi chúng ta được thưởng thức một bữa cơm thân mật, đầm ấm được nấu từ bàn tay của người mẹ, người vợ, người chị và trong bữa cơm ấy có đông đủ mọi thành viên gia đình.
Cái mâm cơm tròn trịa ấy bây giờ dường như đã xa lắm rồi.
LÂM TƯỜNG