Khi nào dân được làm chủ rừng?

Cách đây hơn 20 năm, thông qua Nghị định 02/1994/NĐ-CP và Nghị định 163/1999/NĐ-CP, Nhà nước đã có chủ trương giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Nhưng thực tế đến nay, tại địa bàn tỉnh Nghệ An, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (gọi tắt bìa đất lâm nghiệp) với tỷ lệ rất thấp, cá biệt có huyện chưa cấp bìa đất lâm nghiệp nào. Vì không có giấy tờ gì nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư, khai thác và bảo vệ rừng; một số nơi xảy ra tình trạng rừng bị xâm lấn, tranh chấp và sử dụng không đúng quy hoạch…
Khi nào dân được làm chủ rừng?

Cách đây hơn 20 năm, thông qua Nghị định 02/1994/NĐ-CP và Nghị định 163/1999/NĐ-CP, Nhà nước đã có chủ trương giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Nhưng thực tế đến nay, tại địa bàn tỉnh Nghệ An, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (gọi tắt bìa đất lâm nghiệp) với tỷ lệ rất thấp, cá biệt có huyện chưa cấp bìa đất lâm nghiệp nào. Vì không có giấy tờ gì nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư, khai thác và bảo vệ rừng; một số nơi xảy ra tình trạng rừng bị xâm lấn, tranh chấp và sử dụng không đúng quy hoạch…

Mòn mỏi chờ bìa đất

Chúng tôi đến bản Lăn, xã Chiêu Lưu (huyện miền núi Kỳ Sơn) tình cờ gặp một nhóm thanh niên tụ tập tán chuyện gẫu. Bà La Thị Hoa, một người dân ở bản, nói: “Không có việc chi làm nên bọn hắn chơi cả thôi. Vô rừng chặt cây thì cán bộ không cho vì chưa có giấy giao đất rừng cho dân bản”. Ông La Văn Nga, cán bộ địa chính xã Hữu Kiệm, cho hay: “Không chỉ xã Chiêu Lưu, mà xã Hữu Kiệm đến nay cũng chưa có hộ dân nào được cấp bìa đất lâm nghiệp. Xã có 970 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu, phần lớn cuộc sống đều phải phụ thuộc vào đất lâm nghiệp nhưng chưa có bìa đất nên dân không dám đầu tư lớn. Có hộ dân đầu tư trồng cây keo và sắp đến kỳ thu hoạch mới biết đất nằm trong vùng dự án. Vì thế họ phải chặt keo để bán non, xót xa lắm nhưng không biết kêu ai”. Họp cử tri năm nào dân cũng hỏi khi nào mới được cấp bìa đất lâm nghiệp nhưng cán bộ cũng nói phải chờ. Không chỉ chưa có bìa đất lâm nghiệp mà nhiều hộ dân đến nay cũng chưa có giấy chủ quyền đất ở (giấy đỏ). Điều này khiến người dân rất khó khăn khi muốn thế chấp để vay vốn làm ăn hay nuôi con ăn học.

Ông Ngân Văn Việt ở bản Mác (xã Thạch Giám, huyện Tương Dương) trước cánh rừngmà ông và dân bản mong chờ được cấp bìa đất lâm nghiệp.

Ông Ngân Văn Việt ở bản Mác, xã Thạch Giám (huyện Tương Dương), chia sẻ: “Năm 2002, huyện và đơn vị tư vấn đã về đo đạc nhưng sau đó chỉ có một số hộ dân được cấp bìa đất lâm nghiệp. Bản tôi có 117 hộ nhưng còn khoảng 50% chưa được cấp bìa đất lâm nghiệp”. Cũng theo ông Việt, đến nay nhiều hộ dân đã có tên cấp bìa đất lâm nghiệp ở khe Ba Beo, khe Khằng nhưng không hiểu sao vẫn chưa thấy trên thực tế. “Hàng ngày chúng tôi vẫn đến khoảnh đất được cấp trên bản đồ địa chính xã để sản xuất và cũng chỉ làm cho qua ngày chứ không dám đầu tư lâu dài”, ông Việt than. Ông Vi Văn Ngọc, Bí thư bản Mác, cho biết: “Ngay như nhà tôi hiện cũng chưa được cấp bìa đất lâm nghiệp cũng như đất ở. Họp cử tri dân bản bức xúc hỏi rất nhiều lần nhưng chưa nhận được câu trả lời chính xác của lãnh đạo địa phương”. 
 
Thiếu kinh phí đo đạc

Ông Lầu Bá Tịnh, Trưởng phòng TN-MT huyện Kỳ Sơn, thừa nhận: “Đến nay, trên địa bàn huyện vẫn chưa có hộ dân nào được cấp bìa đất lâm nghiệp. Huyện cũng đã lập đề án từ năm 2016 - 2020 sẽ giao hết đất lâm nghiệp cho người dân ở 21 xã và thị xã, nhưng cũng rất khó thực hiện bởi chỉ riêng kinh phí đo đạc phải tốn hơn 30 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn mà huyện không có nguồn chi nên đề án đang để đó. Huyện cũng có tờ trình lên tỉnh nhưng tỉnh chưa trả lời”. Ông Tịnh cho biết thêm, năm 2002, huyện cũng đã đo đạc và in 700 bìa đất lâm nghiệp. Nhưng sau đó phát hiện đơn vị tư vấn không đi thực tế nên đã cấp bìa trùng một thửa đất cho 2 - 3 hộ. Vì lo sẽ có tranh chấp xảy ra nên huyện hủy tất cả để làm và cấp lại.

Theo Phòng TN-MT huyện Tương Dương, đến nay tỷ lệ cấp đất lâm nghiệp của địa phương này mới đạt hơn 50%. Một số xã có tỷ lệ cấp rất thấp như: Nhôn Mai 154/622 hộ, Nga My 212/962 hộ, Hữu Khuông 39/540 hộ... Ông Kha Văn Ót, Trưởng phòng TN-MT huyện Tương Dương, cho biết, đề án giao đất, giao rừng dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến nay mới có 8.421/15.236 hộ được giao bìa đất lâm nghiệp. Số còn lại chưa giao được do liên quan đến kinh phí đo đạc cần tới 17 - 18 tỷ đồng. Vừa rồi huyện cũng mạnh dạn thuê đơn vị tư vấn để đo đạc và đã cấp bìa đất lâm nghiệp cho 100% hộ dân ở xã Lượng Minh và Lưu Kiền. Tổng số tiền đo đạc ở  2 xã này hết 2,5 tỷ đồng nhưng mới trả cho họ 800 triệu đồng. Đơn vị tư vấn hứa sẽ giúp đo đạc tiếp nhưng huyện không dám vì không muốn trở thành con nợ”, ông Kha Văn Ót giãi bày.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục