
Không ai chịu nhường ai, ai cũng muốn đi trước, đó là tình trạng chung diễn ra tại khắp các ngã ba, ngã tư, trên đường phố Sài Gòn, nơi có mật độ xe gắn máy lớn nhất nước. Không chịu nhường nhau mà thay vào là sự lấn lướt, bóp còi inh ỏi, khói xe tràn ngập bất chấp sự hiện diện của cảnh sát giao thông.
Nếu ai đã từng đi qua đoạn đường từ vòng xoay CMT8 - 3 Tháng 2 đến ngã ba CMT8 - Hòa Hưng (quận 3) vào giờ cao điểm cũng đều có cảm giác khó chịu khi phải nhích từng bánh xe hàng giờ liền. Một đoạn đường chỉ chưa đầy 1.000m nhưng tình trạng kẹt xe diễn ra phải gọi là điển hình.

Đoạn đường Điện Biên Phủ từ ngã ba Mai Thị Lựu đến vòng xoay Điện Biên Phủ, nhiều người đi xe 2 bánh ngược chiều dọc theo dải phân cách. Ảnh: THÀNH TÂM
Tình trạng kẹt xe diễn ra ngoài nguyên nhân chủ yếu là số lượng xe lưu thông quá nhiều, đường lại hẹp còn phải nói đến ý thức chấp hành luật lệ giao thông và cách ứng xử quá kém của người tham gia giao thông.
Đèn vàng xuất hiện thì không giảm tốc, đèn đỏ bật lên còn cố tăng ga vượt qua, đèn đỏ chưa tắt mà hàng loạt phương tiện đã tràn tới vượt qua vạch vôi, tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, chạy ngược chiều, chạy trái làn đường… diễn ra mọi lúc, mọi nơi.
Có nhiều xe buýt bất đắc dĩ bị bao vây giữa trùng trùng điệp điệp xe gắn máy mà không có lối thoát khi muốn quẹo cua. Kinh hoàng nhất là khi có va quẹt thì chẳng mấy ai chịu nói một lời xin lỗi nhau, để rồi dẫn đến chửi bới, ẩu đả nhau. Người qua đường thấy hiếu kỳ nên đứng lại xem dẫn đến lớp xe sau dồn về trước rốt cục kẹt xe diễn ra.
Như vậy, bên cạnh những nguyên nhân như đường hẹp, xe đông…thì ý thức chấp hành luật giao thông kém của người đi đường cũng góp phần làm gia tăng nạn kẹt xe. Vì thế, việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho nhân dân có ý nghĩa quan trọng và cần thiết trong việc giảm nạn kẹt xe.
Cải thiện hiện trạng: mật độ xe gắn máy đông, đường sá hẹp đã khó nhưng thay đổi lối sống, cách ứng xử và chấp hành tốt luật giao thông của người dân lại khó khăn hơn rất nhiều và mất rất nhiều thời gian. Sự khó khăn đó cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các ngành giáo dục, tuyên truyền, tài chính… nhằm thiết lập an ninh trong giao thông.
Tham gia giao thông ngoài việc chấp hành tốt luật còn cần phải thể hiện cách ứng xử có văn hóa của mỗi người đi đường. Văn hóa trong giao thông là điều mà một xã hội văn minh, hiện đại cần phải có.
ĐỖ VĂN ẢNH