
Vào lúc 20g ngày 4-3, Đố tình - chương trình “Con đường âm nhạc” của nhạc sĩ Quốc Trung - sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội (truyền hình trực tiếp trên VTV3). Là nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất âm nhạc đã tạo nên không ít thành công, lần đầu tiên, Quốc Trung “lộ diện” tương đối hoàn chỉnh chân dung âm nhạc sau gần 20 năm gắn bó với nghề.
- Những bất ngờ

Nhạc sĩ Quốc Trung.
Điều bất ngờ thứ nhất là trong Đố tình không xuất hiện những ca sĩ đã gắn bó với Quốc Trung. Ngay cả người vợ chung sống 10 năm và có với nhau hai mặt con, ca sĩ Thanh Lam, cũng không tham gia bất kỳ ca khúc nào.
Không Thanh Lam, không Hồng Nhung, thay vào đó là hai giọng ca Sao Mai - Điểm hẹn: Anh Khoa và Tùng Dương. Giọng hát “bốc lửa” của Anh Khoa sẽ trở nên đằm thắm và dịu ngọt với Ngày không mưa và Hòn đá trong vườn.
Tùng Dương từng tham gia live show “Vọng nguyệt” và hát nhiều ca khúc của Quốc Trung, lần này “nhường” những bài quen thuộc cho Anh Khoa để khám phá những cung bậc cảm xúc trong Đố tình và Tre xanh ru. Mỹ Linh có lẽ lần đầu xuất hiện trước công chúng với các ca khúc của Quốc Trung: Ngày anh về, Con chim sâu và Sao không về với em.
Dường như Quốc Trung muốn nhặt ra từ “gia tài” không nhiều nhưng phong phú về phong cách, ở mỗi dòng nhạc một ca khúc để giới thiệu trong chương trình này.
Bất ngờ hơn cả là Quốc Trung sẽ xuất hiện với tư cách ca sĩ. Anh cùng với các cựu thành viên của ban nhạc Phương Đông (Anh Quân, Thanh Phương và Ngọc Quân) hát Tình yêu ở lại. Ngay sau đó, anh song ca với bố - NSND Trung Kiên - ca khúc mới nhất Bài hát cho cha.
Chiếm khoảng 1/3 chương trình là 6 tác phẩm đã được trình diễn trong live show “Đường xa vạn dặm”: Đào liễu (Xuân Diệu thể hiện), Vọng nguyệt (NSND Thanh Hoài), Đông phong (Hòa tấu nhạc cụ), Ngồi tựa song đào (NSƯT Thúy Hường) và Lưu lạc (Xuân Diệu).
Tùng Dương và Anh Khoa sẽ khép lại chương trình bằng ca khúc Giữa đôi bờ xa cách: “…Giữa đôi bờ xa cách là con sông dài. Giữa hai người nhớ nhung còn chút hy vọng…”. Ca khúc này được viết năm 2000, sau khi cuộc hôn nhân của anh đổ vỡ. Quốc Trung tâm sự: “Những gì đã mất đi thì không lấy lại được nhưng người ta vẫn sống bởi những hoài niệm. Cuộc sống có ý nghĩa hơn với nhiều hy vọng và mong ước”.
Toàn bộ các ca khúc trong chương trình đều do “chủ nhân” phối khí. Anh là một trong những nhạc sĩ phối khí hàng đầu hiện nay ở nước ta.
- Lặng lẽ một con đường
Sau khi tốt nghiệp khoa Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội, Quốc Trung tu nghiệp tại Nhạc viện Sofia - Bulgaria. Chính tại đây, anh đã gặp Thanh Lam trong một lần cô đến biểu diễn. Lửa tình bùng lên dù lúc đó Thanh Lam đã có chồng và một con gái.
Cùng bạn bè lập ban nhạc Phương Đông sau khi du học trở về, Quốc Trung và Phương Đông “nổi đình nổi đám” với những tour diễn trong Nam, ngoài Bắc cùng với tiếng hát Thanh Lam. Trong thời gian đó, anh và Thanh Lam cho ra mắt nhiều album được công chúng đón nhận.
Sau khi chia tay Thanh Lam, những tưởng Quốc Trung sẽ bước vào một chặng đường mới đánh dấu bởi hàng loạt ca khúc ra đời trong năm 2000, thế rồi anh vẫn… lặng lẽ. Năm 2005, sau quá trình thu thập tài liệu và nghiên cứu âm nhạc dân gian, anh phát triển ý tưởng đã manh nha trong live show “Thiện Thanh I” từ năm 1995 với thể loại âm nhạc world music.
Thổi vào các làn điệu dân ca hơi thở đương đại bằng cách hòa âm, phối khí phương Tây và tạo không gian âm nhạc mới, chương trình “Đường xa vạn dặm” sau 2 đêm ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã được mời biểu diễn tại Nhật Bản.
Trên cơ sở “Đường xa vạn dặm”, anh phát triển thành live show “Vọng nguyệt” để tham gia Liên hoan âm nhạc quốc tế Roskilde tại Đan Mạch sau khi tổ chức biểu diễn tại Hà Nội và TPHCM vào giữa năm ngoái. Tiếng vang của “Vọng nguyệt” đem lại nhiều cơ hội cho Quốc Trung, trước mắt là tour diễn ở nhiều nước châu Âu trong năm nay.
Những người thực hiện chương trình cho biết, sau “năm lần bảy lượt” thuyết phục, Quốc Trung mới chịu “cất bước” trên Con đường âm nhạc. Không phải anh kiêu căng hay làm “oai”. Những ai biết tính Quốc Trung, người đàn ông thâm trầm và không thích phô trương, sẽ hiểu tâm trạng của anh khi bước chân vào “đại lộ” từng in dấu chân nhiều “cây đa, cây đề” của làng nhạc.
HOÀNG GIANG