Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước đang nỗ lực chấn chỉnh lại trật tự xây dựng. Thế nhưng, để giải quyết căn cơ vấn đề này cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có những tồn tại, bất cập trên thực tế mà chúng tôi nêu dưới đây:
Một anh nông dân ở miền Trung có miếng đất thổ cư, muốn làm nhà, kể: “Tôi nộp đơn xin phép xây dựng lên chính quyền. Nhân viên phòng quản lý đô thị nhận đơn của tôi và hẹn 2 tuần sau trả kết quả. Hai tuần sau tôi lên, người cán bộ này nói, chưa thấy hồ sơ của chú được trả ra. Một tuần sau, tôi quay lại, vẫn chưa có. Cậu nhân viên này gãi đầu, gãi tai nói không biết lý do gì. Tôi thật sự hoang mang vì không biết đất của mình có vấn đề gì. Thật may, có đứa cháu trên tỉnh về, nghe chuyện bèn tới văn phòng luật sư hỏi giùm. Kết quả thật bất ngờ, tôi ở nông thôn, trong vùng không có quy hoạch chi tiết được phê duyệt, không gần khu vực có di sản… nên theo điều 89 Luật Xây dựng 2014, làm nhà không cần xin phép xây dựng. Tôi thực sự không hiểu, tại sao phòng quản lý đô thị lại im lặng? Điều này có trong luật, tôi là nông dân không rõ đã đành, còn họ chắc chắn phải biết chứ?!”. Không may mắn như người nông dân này, một nông dân khác chẳng biết tìm câu trả lời ở đâu nên đành phải nhờ “cò” “chạy” giấy tờ làm nhà. “Cò” vẽ ra đủ thứ tốn kém, khi nhà đã làm xong rồi nhưng lâu lâu “cò” vẫn đến xin bồi dưỡng để... giữ cho yên?!
Những câu chuyện như vậy không cá biệt, mà thậm chí ở không ít địa phương còn khá phổ biến. Về nguyên tắc, các địa phương phải công khai quy hoạch xây dựng, công khai thủ tục xin giấy phép xây dựng hay thủ tục làm giấy tờ nhà, đất. Và trên thực tế, hầu hết các địa phương đều chấp hành các quy định này. Thế nhưng, không dễ xem và hiểu được chúng. Hệ thống pháp luật về đất đai và xây dựng hiện hành có tới gần chục bộ luật cùng hàng trăm văn bản luật. Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở… rồi các nghị định, các thông tư của các bộ ngành liên quan hướng dẫn thi hành luật. Chưa kể, mỗi địa phương còn có quy định riêng về cấp phép xây dựng và mỗi khu vực trong các địa phương còn có quy chế quản lý kiến trúc, quy định về tách thửa, về mật độ xây dựng riêng. Tất cả như một ma trận mà ngay cả người trong nghề nếu không cập nhật thường xuyên thông tin cũng khó mà phân định được chính xác.
Một luật sư chuyên tư vấn về nhà đất kể câu chuyện của chính mình: Có một hồ sơ xin giấy phép xây dựng. Xem qua thấy đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của pháp luật, luật sư này nghĩ rằng, vậy là ổn. Ấy vậy mà thật bất ngờ, hồ sơ bị trả lại với lý do mảnh đất mà luật sư này thực hiện dịch vụ xin giấy phép xây dựng “bị” một đường vành đai chạy qua. Quá bất ngờ vì nghĩ rằng mình nắm rõ quy hoạch, làm sao có thể có tuyến đường này đi qua mà mình không biết, luật sư này tới cán bộ địa chính của địa phương hỏi. Cán bộ địa chính này gửi (qua zalo) cho luật sư ảnh chụp một con đường đi qua mảnh đất mà anh ta đang xin phép xây dựng. Thấy ảnh chụp không ghi rõ đó là tờ bản đồ nào, thuộc quy hoạch nào, luật sư đi tìm hiểu thêm mới biết đó chỉ là một phần của một dự án của một doanh nghiệp đang đề xuất với địa phương cho đầu tư. Dự án này hoàn toàn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên chẳng có giá trị pháp lý. “Làm sao người dân biết được tất cả những dích dắc này? Ngay cả tôi cũng phải nhờ mấy chỗ quen mới hỏi ra được thông tin ấy”, luật sư này gút lại.
Sau này, biết chuyện, một cán bộ của Bộ Tài nguyên - Môi trường nhận định, ngay cả khi có quy hoạch nhưng địa phương chưa đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm để triển khai thực hiện thì người dân vẫn được thực hiện đầy đủ các quyền lợi hợp pháp của mình. Đúng là một ẩn số!
Theo nhiều chuyên gia về quản lý, phát triển đô thị, hệ thống pháp luật về đất đai và xây dựng ở nhiều nước phát triển cũng rất phức tạp. Và cách họ giải quyết vấn đề là quy trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện pháp luật về cho chính quyền. Cán bộ địa phương phải có trách nhiệm thông tin rõ ràng, đầy đủ cho người dân. Song hành với đó, là tạo điều kiện cho các dịch vụ tư vấn pháp luật “chính thống” hoạt động. Chúng ta có thể học hỏi điều này bằng cách đưa hẳn tiêu chí hướng dẫn người dân thực thi pháp luật về đất đai vào tiêu chuẩn đánh giá năng lực hoạt động của cán bộ. Phải quyết liệt như vậy, mới có thể có chuyển biến thực sự.