
Một công việc hợp chuyên môn với mức lương cao ngất và chế độ đãi ngộ tốt không giữ được chân chàng kỹ thuật viên massage khiếm thị tài ba Bùi Văn Thanh ở lại xứ sở hoa anh đào. Anh nuôi ước mơ về Việt Nam mở trung tâm massage, tạo việc làm cho các bạn trẻ đồng cảnh ngộ. Trung tâm massage Nhật Thanh Việt ra đời.
- Một năm, tám tháng thử thách

Anh Bùi Văn Thanh (bìa trái) và chị Nozaki (bìa phải) cùng các nhân viên của Trung tâm massage Nhật Thanh Việt.
Năm 2004 về nước, Thanh xúc tiến ngay việc huy động vốn, kiếm mặt bằng và đào tạo nguồn nhân lực. Gia đình, bạn bè ủng hộ anh hết mình. Người khiếm thị kéo đến học rất đông. Mọi thứ coi như hoàn tất, riêng giấy phép kinh doanh là chưa có.
Thấy anh cắp đơn đi hết phường, xã đến Ủy ban Nhân dân thành phố, rồi Sở Kế hoạch - Đầu tư để trình bày nguyện vọng, chị Nozaki, người bạn đồng hành của anh, tròn mắt ngạc nhiên: “Tại sao mình muốn làm việc tốt mà khó khăn đến vậy?
Ở Nhật đâu đâu cũng có trung tâm massage của người khuyết tật”. Tháng hết năm qua, chính quyền vẫn chưa ký duyệt. Các kỹ thuật viên không đủ kiên nhẫn chờ đợi, lần lượt bỏ đi nơi khác mưu sinh.
Nhớ lại ngày ấy, Thanh còn nóng ran: “Biết trước là chuyện giấy tờ ở nước mình rắc rối nhưng không ngờ lại căng như vậy. Đào tạo hết đợt này đến đợt khác, rồi ngậm ngùi nhìn anh chị em bỏ đi, nhiều lúc Thanh nản muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến các bạn trẻ khiếm thị nước mình còn thất nghiệp nhiều quá, thế là lại tiếp tục cầm đơn đi thương thuyết”.
Thanh không thể gục ngã còn bởi một lẽ, cô bạn người Nhật đã “đánh cược” cả cuộc đời vào ước mơ của anh. Từ bỏ công việc đã làm suốt 20 năm ở Nhật, cô theo Thanh về Việt Nam để cùng anh thực hiện ước mơ. Khi hỏi có thấy tiếc không, Nozaki cười: “Tiếc chứ, nhưng tôi không bao giờ hối hận. Tôi tin anh Thanh. Ở Việt Nam, rất nhiều người khuyết tật đang chờ chúng tôi”. Một năm, tám tháng sau, ước mơ của họ mới thành sự thực.
- Cơ duyên Việt - Nhật
Sinh ra trong gia đình nghèo có tám anh chị em, Thanh và người anh kế lại bị khiếm thị bẩm sinh. Thiếu may mắn nhưng thừa ý chí nên Thanh vẫn có được hai tấm bằng cao đẳng. Mấy năm liền anh kiếm sống bằng nghề nhạc công ở các nhà hàng. Song cơ duyên đưa anh đến với bộ môn massage khi Trường Nguyễn Đình Chiểu mở khóa học đầu tiên.
Anh trở thành một trong hai người khiếm thị hiếm hoi được nhận học bổng do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho người mù nghèo sang Nhật học massage. Liên tục ba năm liền đạt Cúp học viên có kỹ thuật xuất sắc nhất trường, anh được nhiều công ty ở Nhật để mắt tới.
Một công ty lớn đã ngỏ lời mời anh với mức lương cao ngất nhưng anh từ chối, nuôi ước mơ trở về nước mở một trung tâm massage dành cho người khiếm thị. Tại đây anh quen Nozaki, một tình nguyện viên thường xuyên lui tới giúp đỡ du học sinh các nước. Từ đây anh có thêm một người đồng chí theo đuổi ước mơ.
Nằm trong con hẻm trên đường Quốc lộ 13 suốt ngày tấp nập xe cộ ra vào Bến xe miền Đông, Trung tâm massage Nhật Thanh Việt vẫn có được không gian thoáng đãng và yên tĩnh. Hiện Trung tâm có 11 kỹ thuật viên, 9 người mù và 2 người bị lòa nặng. Để có trình độ chuyên nghiệp, các kỹ thuật viên phải trải qua một khóa huấn luyện khắt khe, nghiêm túc.
Khổ luyện nhưng ai cũng chịu khó vì nói như anh nhân viên Đinh Vũ: “Tụi mình có một chỗ làm ổn định thế này là mừng lắm rồi. Phải ráng học để làm hài lòng khách”. Chị Thủy, khách hàng lần đầu đến Nhật Thanh Việt, tâm sự: “Tuy khiếm thị nhưng các bạn hành nghề chẳng kém gì người sáng mắt. Thích nhất là trong lúc massage hai bên trò chuyện rất vui. Tôi hiểu thêm về nghị lực sống, suy nghĩ, khát vọng của các bạn”.
“Trung tâm Nhật Thanh Việt mở ra để giúp đỡ cho các bạn khiếm thị có việc làm ổn định nhưng không sống nhờ vào lòng thương hại của người khác” – anh Thanh quả quyết – “Chúng tôi phải tự khẳng định mình bằng chính trình độ chuyên nghiệp của đội ngũ kỹ thuật viên”. Trung tâm Nhật Thanh Việt chỉ là viên gạch đầu tiên trong căn nhà ước mơ của anh. Thanh bộc bạch khát vọng mở thêm nhiều trung tâm nữa để tạo thêm việc làm cho nhiều người khuyết tật khác, không riêng gì người khiếm thị. |
YÊN THẢO