Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2016-2017 do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết theo Nghị định 36/1997 và Nghị định 29/2008 của Chính phủ về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế đều quy định cụ thể không có dân cư sinh sống tại các khu vực nói trên. Do đó, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã hình thành và được Bộ Xây dựng phê duyệt đều không có quỹ đất xây dựng các công trình phục vụ tiện ích cho người lao động, việc tìm đất xây trường gặp nhiều khó khăn. Một số dự án đã chọn được địa điểm triển khai lại gặp khó trong vấn đề xác định ranh giới, chậm thủ tục pháp lý trong điều chỉnh quy hoạch, đo vẽ…
Song, trước thực tế nhu cầu gửi con quá lớn của người lao động, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, TPHCM đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học, giải quyết chỗ học cho người dân. Đến nay, trong tổng cộng 15 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động, đã có 20 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non từ nguồn vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư hơn 751 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 11.000 chỗ học cho con công nhân và người lao động.
Con công nhân KCN Hiệp Phước vui chơi tại Trường mầm non Đồng Xanh
Không thể phủ nhận những nỗ lực của TPHCM trong việc đảm bảo đủ chỗ học cho người dân, trong đó có một bộ phận không nhỏ dân nhập cư. Tuy nhiên, cũng theo thừa nhận của một vị lãnh đạo TPHCM, đây chỉ là cách giải quyết tạm thời. Trường, lớp năm nào cũng xây mới nhưng không theo kịp nhu cầu. Chưa kể hiện nay còn xảy ra tình trạng trường mới xây đẹp, khang trang nhưng không nhận đủ sĩ số, do người lao động chọn gửi con ở các nhóm trẻ gia đình để phù hợp thời gian đưa đón. Phương án thí điểm giữ trẻ theo ca từ 8 giờ đến 14 giờ và từ 14 giờ đến 20 giờ tại các trường mầm non công lập chưa được tổ chức rộng rãi do vướng các quy định về chế độ lương bổng, trợ cấp làm thêm ngoài giờ cho giáo viên. Hiện nay, trên tổng số 24 quận, huyện của TPHCM, mới có một quận thực hiện thành công việc kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ chi phí học tập cho con công nhân, song mức hỗ trợ chỉ được tính trên cơ sở phí gửi trẻ ngày thứ bảy và gửi trẻ ngoài giờ (từ 16 giờ đến 20 giờ). Các địa phương còn lại đều tổ chức giữ trẻ nhóm đối tượng này trên cơ sở phí thu thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh.
Mới đây, đã xảy ra trường hợp một trường mầm non công lập ở vùng ven, năm học trước thu phí giữ trẻ ngoài giờ 20.000 đồng/học sinh/ngày đối với hai giờ giữ trẻ ngoài giờ (từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30), năm học này thông báo tăng lên 25.000 đồng/học sinh. Mức tăng tuy không nhiều nhưng đã ngay lập tức bị phụ huynh phản ứng, khiến nhà trường chưa thể áp dụng ngay từ đầu năm học mà sẽ đưa vấn đề này ra trao đổi với ban đại diện cha mẹ học sinh tại buổi họp đầu năm.
Qua đó cho thấy, vấn đề đảm bảo trường, lớp cho đối tượng con công nhân và người lao động không thể là việc hoàn thành trong một sớm một chiều, mà cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước lẫn địa phương. Trong đó, một số quy định về lương bổng, thời gian làm việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên ở bậc học này còn nhiều bất cập, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và địa phương chưa tốt khiến hiệu quả triển khai chưa như mong đợi, có sự chênh lệch về chính sách hỗ trợ giữa các địa phương.
THANH THU