Năm 2012, Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh tiếp nhận sâm giống nhiều độ tuổi khác nhau về trồng ở vùng Z’rượt (Tây Giang, Quảng Nam). Tuy nhiên, kết quả không mấy khả quan, hầu hết củ bé, hàm lượng các hoạt chất quan trọng trong củ sâm không cao, cây phát triển không đều, rễ ít phát triển.
Tại xã Ch’Ơm (Tây Giang, Quảng Nam), công ty trồng 19.000 cây sâm nhưng tháng 9-2019, công ty này phải chuyển cây về Trà Cang, huyện Nam Trà My do cây phát triển không tốt. Tương tự, tại thôn 6, xã Phước Lộc, từ năm 2004-2005, Ban Định canh, định cư, kinh tế mới huyện Phước Sơn (sau này là Phòng Dân tộc huyện) cũng đã di thực trồng 10.680 cây sâm Ngọc Linh từ Nam Trà My về trồng tại thôn 6 xã Phước Lộc, diện tích khoảng 1ha. Tuy nhiên, năm 2008, Trường Đại học Y Dược TPHCM đã kiểm nghiệm, phát hiện tổng hàm lượng 4 saponin chính đạt 8,79%, thấp hơn mẫu sâm đối chứng khoảng 25%.
Ông Lê Minh Hưng thừa nhận, việc chọn vùng đất để di thực cây sâm ở Tây Giang trước kia chưa phù hợp. Còn ở Phước Sơn, dù thích hợp để di thực cây sâm nhưng do vùng này trước nay không ai chăm sóc, cây sâm không phát triển và bị mất trộm.
Đến nay, tỉnh Quảng Nam chỉ có 2 địa phương triển khai di thực cây sâm Ngọc Linh, gồm vùng dưới chân đỉnh Ngọc Lum Heo (thôn 6, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn) và thôn Z’rượt, xã Ch’Ơm (huyện Tây Giang), nhưng với những kết quả trên, khả năng di thực mở rộng vùng trồng sâm ra một số địa phương trên địa bàn tỉnh trở nên khó khăn hơn.