Khó gỡ rào cản ngoại ngữ trong đào tạo nghề quốc tế

Với mục tiêu thí điểm đào tạo 2.700 sinh viên cho 12 nghề trọng điểm cấp quốc tế, các trường cao đẳng (CĐ) nghề đang gặp khó khăn trong tuyển sinh đầu vào đạt yêu cầu chuẩn về trình độ tiếng Anh của sinh viên lẫn chuẩn hóa năng lực chuyên môn và ngoại ngữ của giảng viên.
Khó gỡ rào cản ngoại ngữ trong đào tạo nghề quốc tế

Với mục tiêu thí điểm đào tạo 2.700 sinh viên cho 12 nghề trọng điểm cấp quốc tế, các trường cao đẳng (CĐ) nghề đang gặp khó khăn trong tuyển sinh đầu vào đạt yêu cầu chuẩn về trình độ tiếng Anh của sinh viên lẫn chuẩn hóa năng lực chuyên môn và ngoại ngữ của giảng viên.

Sinh viên của Trường CĐ Nghề TPHCM trong giờ thực hành nghề điện tử


Đỏ mắt tìm sinh viên đạt chuẩn ngoại ngữ

Sau thời gian dài chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn hiện đại, mới đây, Trường Cao đẳng nghề TPHCM đã khai giảng khóa đầu tiên đào tạo  nghề trình độ CĐ quốc tế cho 63 sinh viên, thời gian đào tạo 2,5 năm. Số sinh viên này theo học 3 nghề, gồm: Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); điện tử công nghiệp; kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp.

Đây là chương trình thí điểm đào tạo nghề trọng điểm - trình độ CĐ cấp độ quốc tế, do Tổng cục Dạy nghề và Học viện Chisholm (Australia) phối hợp đào tạo ở các trường dạy nghề chất lượng cao trong cả nước. Để được chọn tham gia chương trình này, trường nghề phải đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe về đào tạo nghề chất lượng cao theo chuẩn của Australia. Sau khi được Học viện Chisholm thẩm định trường, lớp, nghề đáp ứng đủ điều kiện kiểm định của Australia, nhà trường mới được tuyển sinh, đào tạo. Song song đó, trường phải cử giáo viên có năng lực, trình độ ngoại ngữ qua Australia học nâng cao trình độ chuyên ngành để về giảng dạy. Chia sẻ niềm vui này của nhà trường, Th.S Lê Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề TPHCM, cho biết: “Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ, vì tất cả sinh viên lẫn giảng viên phải vượt qua rào cản lớn nhất là ngoại ngữ tiếng Anh”. Cũng theo ông Bình, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và kết thúc khóa học, sinh viên sẽ được cấp bằng của Australia với trình độ, năng lực nghề đạt chuẩn quốc tế. Và để có thể học bằng tiếng Anh theo yêu cầu, trước khi học chuyên môn, nhà trường sẽ dành 6 tháng bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiếng Anh cho học viên. Thế nhưng, với thời gian ngắn này, việc sinh viên phải đạt chuẩn đầu vào B1 theo khung tham chiếu châu Âu thì mới được tham gia khóa học là một yêu cầu không dễ, thậm chí là nan giải.

Tương tự, Trường CĐ nghề Kỹ thuật - Công nghệ TPHCM cũng khởi động đào tạo chương trình thí điểm này với một nghề ứng dụng phần mềm cho 27 học viên đầu tiên. Cũng theo bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, khó khăn lớn nhất cũng là tuyển sinh đầu vào đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. Trong khi các trường ĐH còn khó tuyển sinh viên có năng lực ngoại ngữ đủ chuẩn để đào tạo các chương trình chất lượng cao liên kết quốc tế thì các trường nghề càng “đỏ mắt” tìm ứng viên. Tuy gặp không ít khó khăn, rào cản về tuyển sinh nhưng phải ghi nhận các trường CĐ nghề đang nỗ lực chuyển động theo hướng đổi mới giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận trình độ kỹ thuật - công nghệ dạy nghề trên thế giới, nhằm đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động thời hội nhập quốc tế.

Thiếu hụt giảng viên giỏi chuyên ngành và ngoại ngữ

Theo ông Đặng Xuân Thức, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy Tổng cục Dạy nghề, thực hiện chiến lược và mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dự kiến đến năm 2020, cả nước phải có 10 trường dạy nghề đạt chuẩn quốc tế. Hiện tại cả nước đã có 45 trường nghề đạt tiêu chí chất lượng cao và các trường này sẽ được chọn lựa để tham gia đào tạo thí điểm 2.700 sinh viên trình độ CĐ cấp độ quốc tế với 12 nghề trọng điểm. Tuy nhiên, thách thức trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn trình độ quốc tế đòi hỏi cả giảng viên lẫn sinh viên đều phải đáp ứng yêu cầu, năng lực về tiếng Anh đạt chuẩn. Để chuẩn bị nguồn giảng viên đạt chuẩn về trình độ, năng lực nghề và ngoại ngữ tiếng Anh, 2 năm qua, Tổng cục Dạy nghề đã đưa gần 200 giảng viên qua Australia tập huấn, nâng cao trình độ chuyên ngành, ngoại ngữ. Thế nhưng, yêu cầu khắt khe của chương trình đào tạo đẳng cấp quốc tế đòi hỏi giảng viên phải hoàn thiện nhiều hơn.

Vì sao nguồn cung ứng giảng viên sư phạm kỹ thuật ở Việt Nam thiếu và chưa đạt chuẩn? Đề cập đến thực trạng còn nhiều lỗ hổng này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, cho biết: “Hiện tại, các ngành kỹ thuật đào tạo ở ĐH lại không giống như đào tạo nghề ở các trường nghề. Cụ thể, một kỹ sư tốt nghiệp nghề cơ khí nhưng về trường nghề phải dạy nhiều nghề như phay, bào, tiện, khuôn… nên yếu về kỹ năng, chuyên môn. Chính vì thế, ngoài thay đổi phương thức, thời gian đào tạo phù hợp với năng lực nghề, bồi dưỡng về kỹ năng sư phạm, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật còn chú trọng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên theo chuẩn quốc tế”. Còn một bất cập khác khiến đội ngũ giáo viên ở các trường nghề không đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục dạy nghề là do năng lực, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ yếu kém. Cũng do chế độ lương bổng trong các trường dạy nghề thấp nên nhiều kỹ sư tốt nghiệp các trường sư phạm kỹ thuật giỏi, có năng lực về ngoại ngữ đã bỏ nghề sư phạm, chọn làm việc ở các công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thực tế này, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đầu tư thỏa đáng cho các trường sư phạm kỹ thuật để đón đầu sản phẩm đạt chất lượng cao của họ cho chiến lược phát triển trường nghề chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Để đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế thì không thể chậm trễ trong đổi mới đào tạo, trang bị năng lực ngoại ngữ đạt chuẩn cho học sinh phổ thông để học các bậc học cao hơn. Hơn nữa, để tự do di chuyển lao động trong cộng đồng ASEAN và tăng tính cạnh tranh tìm cơ hội việc làm trong môi trường hội nhập quốc tế, Việt Nam phải tạo ra sự đột phá trong chiến lược đào tạo nghề chất lượng cao, theo chuẩn quốc tế.

 KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục