(SGGP).- Ngày 11-3, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: Kế hoạch sản xuất vụ lúa xuân-hè năm 2010 là khoảng 22.000ha, nhưng do thời điểm đầu vụ lúa có giá nên người dân ùn ùn xuống giống gần 51.000ha, vượt kế hoạch 29.000ha. Điển hình như TP Sóc Trăng không có kế hoạch sản xuất vụ xuân-hè nhưng người dân vẫn tự ý gieo sạ trên 2.500ha; huyện Mỹ Xuyên sạ tự phát trên 3.500ha; huyện Long Phú tự phát khoảng 8.000ha…
Đáng lo ngại là tình hình khô hạn diễn ra gay gắt, cộng với xâm nhập mặn tấn công đã làm hàng chục ngàn hécta lúa xuân-hè bị thiếu nước trên diện rộng. Trong đó nhiều diện tích lúa tự phát ngoài quy hoạch, nằm xa kênh mương sẽ giảm năng suất và có nguy cơ mất trắng. Để cứu lúa, ngành nông nghiệp Sóc Trăng kiến nghị trung ương hỗ trợ 10 tỷ đồng nạo vét thủy lợi, bơm nước vào ruộng…
Tại tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Khang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ước tính từ 7.000-10.000ha lúa đông-xuân muộn ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công bị thiếu nước do ảnh hưởng xâm nhập mặn. Tỉnh đang chỉ đạo chính quyền địa phương và ngành thủy lợi tập trung bơm chuyền 2 cấp đưa nước vào ruộng cứu lúa, dự kiến kinh phí khoảng 2,3 tỷ đồng.
Tình trạng khô hạn kéo dài không chỉ làm ruộng thiếu nước tưới, nhiều con sông cạn trơ đáy mà còn gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân ĐBSCL. Trong những ngày qua, tại các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang… có rất nhiều chuyến xe, thuyền chở nước ngọt đến những vùng khô hạn. Tại nhiều xã ven biển của tỉnh Bến Tre, hàng ngày người dân phải mua nước với giá cắt cổ, từ 85.000 - 90.000 đồng/m³.
Tại Tiền Giang, do nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền nên tình trạng thiếu nước ngọt đang diễn ra rất nghiêm trọng tại huyện cù lao Tân Phú Đông, một phần huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây. Nước ngọt khan hiếm nên người dân phải tắm giặt bằng nước mặn. Nước mưa dự trữ chỉ để uống nhưng cũng rất hạn chế. Tại xã đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), giá nước sinh hoạt hiện tại từ 18.000 - 25.000 đồng/phuy 200 lít, tính ra 1m³ nước có giá đến 120.000 đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, độ mặn năm nay sẽ đạt đỉnh vào tháng 3 và tháng 4, đồng thời xâm nhập sâu vào nội đồng, do mùa lũ năm 2009 ở mức trung bình, mùa mưa kết thúc sớm. Tại hầu hết sông chính, độ mặn 40‰ có thể xâm nhập sâu vào nội đồng khoảng từ 40 - 45km tính từ cửa sông. Trên sông Tiền, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Tiền Giang, biên mặn 10‰ có khả năng xâm nhập đến khu vực huyện Chợ Gạo, cách cửa sông khoảng 45km về phía thượng lưu vào giữa tháng 3-2010. Trong những ngày đầu tháng 3-2010, ở sông Cửa Tiểu, cống Vàm Kênh (huyện Gò Công Đông), độ mặn cao nhất là 25-27‰.
Tại Bến Tre, độ mặn 4‰ đã xâm nhập vào đất liền gần 40km tính từ các cửa sông. Tại Bạc Liêu, toàn bộ các con kênh trong vùng ngọt ổn định có độ mặn từ 1,8-2,5‰ và không thể bơm tưới cho lúa.
Trước tình hình khô hạn và xâm nhập mặn phức tạp ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp trên diện rộng, dự kiến hôm nay (12-3), tại Sóc Trăng, Bộ NN-PTNT tổ chức cuộc họp với các tỉnh ĐBSCL tìm giải pháp đối phó, giảm thiểu thiệt hại.
H.LỢI - L.CHINH