Khổ luyện để giành vinh quang

Khổ luyện để giành vinh quang

Khi đề cập đến thể thao, người ta quan tâm nhiều đến chuyện thành tích. Thế nhưng, đằng sau những tấm huy chương vàng là những giọt mồ hôi, là nước mắt và đôi khi cả máu của vận động viên. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc những tấm gương vận động viên trong và ngoài nước đã khổ luyện để mang vinh quang về cho quốc gia.

  • Leo núi với súc gỗ nặng trên vai

Trong một lần xuất ngoại, tôi may mắn tìm được cuốn “Đường đến vinh quang”, cuốn sách viết về những gương tập luyện trong thể thao. Nhờ đó, lần đầu tiên tôi biết vì sao các cô gái nhỏ nhắn của xứ sở mặt trời mọc lại đánh thắng tất cả các đối thủ to cao như Liên Xô (cũ), Cuba, CHDC Đức (cũ) để đoạt Huy chương vàng bóng chuyền Olympic 1964.

Khổ luyện để giành vinh quang ảnh 1

Michele Platini.

Nhìn tỷ số trong trận chung kết Nhật - Liên Xô 15-7, 15-8, 15-2 bạn sẽ không khỏi bàng hoàng. Để có được trận thắng vang dội đó, các cô gái Nhật Bản đã phải khổ luyện 6 giờ/ngày, 7 ngày/tuần và 51 tuần/năm. Họ quên đi mọi thú vui đời thường, tập luyện dưới sự “chăm sóc” khắc nghiệt của huấn luyện viên Hirofumi Daimatsu.

Ông bắt các cô gái buộc dây ngang thắt lưng, mắc vào những súc gỗ nặng hàng chục kg, rồi vượt dốc núi dựng đứng. Sách ghi lại, nhiều người trong số họ không chịu nổi, bị ngất, lăn xuống chân dốc, bị gỗ đè lên người mà không một tiếng kêu ca. Đó là chuyện rèn thể lực trong… ngày chủ nhật, tức ngày nghỉ. Chuyện rèn kỹ năng thi đấu còn ghê gớm hơn.

Mỗi ngày, họ phải tập “bắt bước một” (tức đỡ quả giao bóng) hàng ngàn lần, di chuyển-nhảy bật cao hàng chục ngàn lần để tập chắn bóng, rồi những quả đập như búa bổ, với hai túi chì nặng đeo nơi hai chân. Nhờ thế, họ đã làm được kỳ tích, hạ Liên Xô 3-0 mà không cho đối phương có lấy 1 ván leo lên đến 10 điểm.

  • Ma thuật của Pelé và cú sút phạt thần sầu của Platini

Dân ghiền bóng đá hẳn không quên những pha đi bóng lắt léo đầy ma thuật của “Vua bóng đá” Pelé. Mọi người cho rằng đó là thiên tài nhưng đừng quên rằng, Pelé đã phải tập luyện khổ cực từng động tác dẫn bóng, qua người và sút bóng. Ngay động tác đảo người nhằm đánh lạc hướng đối phương cũng được “Nhà vua” thực hiện sau mỗi buổi tập, khi đồng đội đã lên xe về nhà từ lâu.

Ông đặt quả bóng trước mặt, rồi nhảy qua, nhảy lại, lắc người làm động tác giả hàng ngàn lần. Bài tập này được Pelé duy trì ở tất cả các buổi tập khi còn xỏ giày chơi bóng đá.

Với Platini, người ta thán phục những cú sút phạt thần sầu của ông, ngợi khen vẻ đẹp của đường đi quả bóng và độ chính xác đến từng centimet. Song, có ai biết Platini phải dành ra mỗi ngày 1 tiếng đồng hồ để tập sút phạt và mỗi lần phải sút 200 quả vào lưới.

  • Bí quyết của các VĐV Việt Nam

Khổ luyện để giành vinh quang ảnh 2

Đội tuyển bóng chuyền nữ Nhật Bản.

Hồi trước, khi còn làm dậy sóng đường đua xanh, kỷ lục gia SEA Games cự ly 100 mét bướm Đỗ Như Minh ngày nào cũng chạy bộ cả chục cây số. Khi nhà ông dời về gần khu vực cầu Thị Nghè (Bình Thạnh) thì sân Hoa Lư (quận 1) là địa chỉ lý tưởng cho các buổi chạy việt dã của ông. Ông tâm sự: “Sở trường của tôi là bơi bướm, dùng tay nhiều nhưng không chú ý tập chân thì khó nhấc nổi đôi tay”.

Trong môn xe đạp thập niên 80-90 có “Vua leo núi” Nguyễn Văn Tám. Bí quyết giúp ông leo đèo, leo núi giỏi chính là chiếc xe đạp thồ nặng trịch mà ngày nào ông cũng cùng nó vượt dốc Mẹ Bồng Con (Long Khánh). Nhờ tập nặng và kiên trì liên tục như thế nên Tám không khó khăn gì đoạt áo đỏ (Vua leo núi) và áo vàng (vô địch) tại cuộc đua xuyên Việt lần đầu tiên tổ chức năm 1985.

Với môn bóng đá, cầu thủ 3 lần đoạt giải “Quả bóng vàng Việt Nam” Lê Huỳnh Đức có một tuổi thơ tập sút bằng quả… bóng rổ. Anh là “khách hàng” thường xuyên của câu lạc bộ Phan Đình Phùng vào mỗi sáng chủ nhật, khi các đồng nghiệp khác dùng thời gian đó cho gia đình hay những trò vui khác. Nhờ khổ luyện và ý thức giữ gìn sức khỏe tốt, Huỳnh Đức là cầu thủ có tuổi thọ nghề nghiệp cao nhất trong lứa “Thế hệ vàng” thập niên 90 của thế kỷ trước và tài nghệ của anh cho đến nay vẫn còn rất bén.

Đường đến vinh quang không bao giờ bằng phẳng. Nó không dành cho những ai thích sa vào chốn ăn chơi, ưa sinh bệnh ngôi sao hoặc mới thắng vài trận là kéo nhau đi đòi tiền thưởng.

Tiếc rằng, vận động viên “chuyên nghiệp” hiện nay không thích học những cái hay, điều phải từ lớp đàn anh và ngại khổ luyện. Họ sớm thành công từ năng khiếu bẩm sinh nhưng không duy trì được nó lâu dài vì thiếu nỗ lực, chuyên cần. 

MINH HÙNG

Tin cùng chuyên mục