(SGGPO).- Sáng 17-3, tại Sở Y tế TPHCM, Đoàn giám sát HĐND TPHCM do đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TPHCM hai năm 2015 và 2016.
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thi Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, trong 2 năm qua, công tác đảm bảo ATTP luôn được HĐND, UBND TPHCM, Cục ATTP, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP quan tâm và chỉ đạo nên công tác đảm bảo ATTP ngày càng cải thiện; các sản phẩm thực phẩm đến tay người tiêu dùng được đảm bảo an toàn; công tác truyền thông được triển khai rộng rãi với nhiều hình thức phong phú và đa dạng; công tác lấy mẫu giám sát, thanh tra được tổ chức thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, ngăn chặn kịp thời thực phẩm không an toàn đến người tiêu dùng, phát hiện, xử lý nghiêm và thông tin trên các phương tiện đại chúng các cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố cũng đã thực hiện công tác quản lý “Chuỗi thực phẩm an toàn” gồm một số nông sản thực phẩm như rau, thịt, cá từ khâu nuôi trồng đến bàn ăn…
Vào cuối giờ chiều, Trường tiểu học Nguyễn Trực, quận 8, TPHCM bị bao vây bởi hàng chục xe bán hàng lưu động
Tuy nhiên, cũng theo bà Huỳnh Mai, do TPHCM có dân nhập cư đông, số lượng các điểm kinh doanh thức ăn đường phố (TĂĐP) xuất hiện ngày càng nhiều (với 19.056 cơ sở kinh doanh và gần 21.000 người tham gia phục vụ kinh doanh). Các cơ sở này chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ lẻ, kinh doanh cá thể, mang tính thủ công, truyền thống gia đình nên việc kiểm tra, giám sát về ATTP tại các cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó các cơ sở kinh doanh TĂĐP thường xuất hiện tràn lan, thiếu quy hoạch, gây mất trật tự giao thông, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và đặc biệt không kiểm soát được về nguồn gốc nguyên liệu chế biến, phụ gia sử dụng, bảo quản, cũng không xử lý được vì đối tượng rất cơ động, không có nơi ngụ cư ổn định, thậm chí không có giấy tờ tùy thân. Mặc dù ngành Y tế thành phố đã tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn cho các đối tượng này, thậm chí hỗ trợ kinh phí tổ chức khám sức khỏe cho những người kinh doanh TĂĐP nhưng công tác quản lý về ATTP với các đối tượng này khó vẫn gặp khó, bà Huỳnh Mai nhấn mạnh.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Phạm Đức Hải yêu cầu Sở Y tế cần tích cực truyền thông hơn nữa nhất là về chuỗi thực phẩm an toàn đến người dân, người sản xuất và tập trung vào phụ nữ tiêu dùng, trẻ em trong trường học. Cùng với đó phổ biến kiến thức tới các cơ sở kinh doanh TĂĐP nắm rõ được nguồn gốc thực phẩm mà mình đang sử dụng; quản lý tốt các cơ sở kinh doanh chất phụ gia trên địa bàn thành phố và tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực ATTP.
THÀNH SƠN