Khổ vì các cuộc thi

Sau khi công luận và dư luận lên tiếng phản bác cuộc thi ViOlympic (giải toán trên mạng), Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu toàn ngành phải rà soát lại các cuộc thi trong trường học. Trước đó, bộ này cũng “thổi còi”, dừng cuộc thi “Chinh phục vũ môn” sau khi phụ huynh phản ánh nội dung cuộc thi không phù hợp học sinh tiểu học.

Sau khi công luận và dư luận lên tiếng phản bác cuộc thi ViOlympic (giải toán trên mạng), Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu toàn ngành phải rà soát lại các cuộc thi trong trường học. Trước đó, bộ này cũng “thổi còi”, dừng cuộc thi “Chinh phục vũ môn” sau khi phụ huynh phản ánh nội dung cuộc thi không phù hợp học sinh tiểu học.

Nhìn lại, thời gian vừa qua, nhiều cuộc thi trí tuệ có sức hút lớn, lan tỏa ở các trường học trong cả nước như giải toán, thi tiếng Anh qua mạng, “Trạng nguyên nhỏ tuổi”, “Chinh phục vũ môn”... Riêng cuộc thi ViOlympic năm 2016 đã gây ra tranh cãi trái chiều. Ở vòng thi cấp trường, sân chơi trí tuệ này gây áp lực, bộc lộ nhiều tiêu cực khiến dư luận lên án. Với mục đích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại các trường phổ thông, cuộc thi ViOlympic đã tạo sân chơi trực tuyến môn Toán, Vật lý cho học sinh cấp tiểu học, THCS. Nhưng thực tế lại khác. Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng nó không còn mang ý nghĩa vui chơi, thử sức đơn thuần mà bị biến dạng bởi sức ép, mục tiêu quay cuồng, giành giật giải thưởng bằng mọi giá. Để chạy theo thành tích, thứ hạng cao nhất, từ học sinh tiểu học đến THCS phải gồng mình chạy theo cuộc đua không cân sức, áp lực căng như dây đàn. Bị cuốn vào cuộc đua chạy “việt dã” với tâm lý nặng nề, nhiều phụ huynh lẫn giáo viên không thể không nghi vấn: “Đây có phải là trí tuệ và sự sáng tạo?”. Với tốc độ giải toán nhanh đến khó tin, các em đang biến mình thành siêu nhân tài ba hay con thiêu thân chỉ biết lao vào lửa?

Không thể phủ nhận rằng với chủ trương đổi mới giáo dục, gắn học với hành, tạo thêm môi trường vui chơi giải trí cho học sinh, nhiều trường học sáng tạo, tổ chức các cuộc thi mang ý nghĩa thiết thực, tạo ra sân chơi trí tuệ, bổ ích. Nó không chỉ khơi ngợi sự đam mê, tư duy sáng tạo mà còn phát huy năng khiếu, sở trường của học sinh theo hướng phát triển toàn diện. Tuy nhiên, trước thực tế ngày càng có nhiều cuộc thi diễn ra tại trường học, dư luận xã hội không thể không băn khoăn và đặt câu hỏi nghi vấn. Trường học luôn kêu là học sinh đang bị quá tải về chương trình học, áp lực kiểm tra thi cử dày đặc, nhưng ngành giáo dục - đào tạo lại tiếp tay cho nhiều cuộc thi “núp bóng” sân chơi trí tuệ, giải trí. Vì thế, chạy theo phong trào, chỉ đạo từ trên và không thoát khỏi bóng đè của “bệnh thành tích”, cả thầy lẫn trò phải gồng mình đến đuối sức.

Trong công văn nêu trên, Bộ GD-ĐT yêu cầu rà soát thực trạng các cuộc thi dành cho giáo viên, học sinh nhằm đổi mới nội dung và hình thức tổ chức giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, thiết thực, hiệu quả. Sau khi rà soát, bộ sẽ loại bỏ những cuộc thi không thiết thực, tạo áp lực cho học sinh, giáo viên, nhà trường, làm ảnh hưởng hoạt động dạy và học, gây băn khoăn cho giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội. Không chỉ nhìn thấy học sinh đang chịu nhiều áp lực về các cuộc thi bủa vây, bộ cũng thấu hiểu giáo viên đang bị “bội thực”, gồng mình chịu trận từ không ít cuộc thi hình thức, nhàm chán diễn ra hàng năm. Ngán nhất là cuộc thi giáo viên dạy giỏi, sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học và nhiều cuộc thi thầy cô phải hỗ trợ học trò như “Nha học đường”, “Ý tưởng trẻ thơ”, “ Sáng tạo thanh thiếu nhi”…

Những cuộc thi này lấy hết quỹ thời gian của giáo viên và làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn. Và để có thành tích họ phải đối phó bằng nhiều cách, kể cả “mượn, sao chép” ý tưởng, kinh nghiệm của người khác hay bắt học trò diễn kịch… Chính vì thế, việc lắng nghe ý kiến của giáo viên để rà soát và loại bỏ những cuộc thi về chuyên môn lẫn phong trào có nội dung xơ cứng, nhàm chán là cấp thiết.

Đổi mới hoạt động giáo dục ở nhà trường nhằm tạo ra luồng sinh khí mới để giáo viên và học sinh cảm thấy việc dạy và học nhẹ nhàng, mang lại giá trị thiết thực. Vì thế, để bổ trợ kiến thức, tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích thì các cuộc thi phải mang tính trí tuệ, sáng tạo thực sự; nếu gây áp lực về tâm lý, hao tổn tinh thần, thể chất, khiến người tham gia căng thẳng, mệt mỏi thì phải loại bỏ ngay.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục