Năm nay cũng vậy! Đến một người trầm tính, ít để ý đến thế sự thị phi như đạo diễn, nhà văn Tô Hoàng cũng phải thốt lên trong một phỏng vấn độc quyền “nên chấm dứt những đợt phong tặng theo định kỳ. Theo tôi được biết cách làm này (phong tặng) khởi nguồn từ Liên Xô. Và chỉ có Bungary và Việt Nam sao chép mô hình này. Kể từ sau khi Liên Xô tan rã, cả nước Nga lẫn Bungary đã ngưng lại việc xét duyệt các danh hiệu nghệ sĩ”.
Nhưng có lẽ đạo diễn Tô Hoàng đã nhầm chút xíu: chỉ có Bungary là ngừng xét tặng, còn nước Nga - kế thừa Liên Xô cũ - kể từ năm 1992 vẫn tiếp tục trao tặng theo định kỳ 3-5 năm các danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Công huân. Và họ còn làm trang trọng hơn khi đúc riêng một phù hiệu để Tổng thống Putin gắn lên ve áo mỗi dịp trao tặng tại phòng họp dát vàng ở điện Kremlin. Như thế có gì khác biệt khi trao tặng danh hiệu nghệ sĩ giữa hai nước? Xin thưa rằng, khác biệt duy nhất là người Nga khá bình thản tiếp nhận khi danh sách được ký bởi sắc lệnh của tổng thống được công bố, còn ở ta mọi chuyện đã rối tung từ trước khi nguyên thủ quốc gia đặt bút ký. Nào đơn từ tố cáo dày cả mét, nào thiếu tiêu chí này nọ, nào thiếu huy chương chuyên ngành… và đơn giản là không đủ phiếu bầu hoặc ở hội đồng cơ sở, hoặc hội đồng cấp Nhà nước. Theo thống kê trong 3 đợt xét tặng gần đây nhất trong các năm 2012, 2016, 2018 thì số lượng xét tặng mỗi đợt không biến động là mấy: Số lượng nghệ sĩ nhân dân trung bình từ 80 - 100, nghệ sĩ ưu tú biến thiên từ 280 đến 380. Nghĩa là ổn định ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, nói vậy mà không phải vậy, khi đợt xét tặng nào cũng có chuyện, nhỏ thì bút chiến, luận chiến, lớn thì… không nhìn mặt nhau. Năm nay, kế thừa truyền thống - đến phút 89, chuẩn bị đá bù giờ cũng lại xảy ra chuyện 3 nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương là nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu bức xức vì không lên được nghệ sĩ nhân dân do thiếu phiếu bầu ở hội đồng xét duyệt.
Rào cản thứ hai là phải kiếm cho ra 2 tấm huy chương vàng gặt hái từ các hội diễn toàn quốc. Tất nhiên, nghị định mới cho phép quy đổi 2 bạc thành 1 vàng, song chuyện có huy chương vẫn là điều xa vời với các nghệ sĩ lớn tuổi. Đơn giản là do tự trọng, chẳng lẽ mình ngần đấy tuổi lại phải đi hội diễn so kè với học trò… Hơn nữa, thời họ còn trẻ thì làm gì có hội diễn, liên hoan mà thi thố. Cho nên có những câu chuyện buồn như chuyện nghệ sĩ Tuệ Minh, vợ của cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi, người có hàng loạt vai diễn kinh điển trong các bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Ngày lễ thánh”, “Vợ chồng anh Lực”… đã nhận được sắc phong chỉ ít ngày trước khi qua đời tại một viện dưỡng lão. Rào cản thứ ba vẫn là tiêu chí 90% ông hội đồng bỏ phiếu tán thành. Đó là con số gần như tuyệt đối và giả sử 1,2 ông có thành kiến thì cũng xong đời, phải trở về với danh hiệu tự an ủi, rằng thôi thì mình vẫn là “nghệ sĩ của nhân dân”.
Trước ngày khai giảng, đạo diễn - nhà văn - nhà phê bình Tô Hoàng bần thần ngồi một mình ở quán cà phê vỉa hè đối diện với Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Hỏi vui bao giờ anh có “nhăn răng” (nhân dân), ông cười nói tớ không quan tâm chuyện danh hiệu dù mình có đủ giải thưởng để phong (Bông sen vàng cho phim tài liệu, giải nhất cho các cụm phê bình điện ảnh…) vì “ cái chính là tác phẩm của mình, không gì khác ngoài tác phẩm”.
Âu cũng đúng khi nhiều người dù có danh hiệu mà gần như không mấy người biết, hoặc giả sau khi có danh hiệu thì tác phẩm lại không có, không còn nguồn cảm hứng sáng tạo. Cho nên câu chuyện về danh hiệu còn chưa có hồi kết. Nói như ngôn ngữ thể thao Olympic - cái chính là tham gia. Giải thưởng thì có cũng được, không có cũng chẳng sao. Như vậy cho nó an nhàn…