Tình trạng rác thải bốc mùi xú uế, xác động vật trong giai đoạn phân hủy… tiếp tục xuất hiện tràn lan ở các điểm đen thuộc khu vực giáp ranh TPHCM, dù đã được người dân, các cơ quan truyền thông phản ánh rất nhiều lần. Vấn đề nằm ở chỗ, các địa phương chưa có sự phối hợp nhịp nhàng trong quá trình thu gom, xử phạt các đối tượng vi phạm; trong khi không hiếm người thiếu ý thức lại xem các khu vực này là điểm tập kết rác không tốn phí.
Lén xả bậy
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh (giáp ranh quận 7 với huyện Bình Chánh); tuyến quốc lộ 1A (hướng từ huyện Bình Chánh về tỉnh Long An); đường Đồng Văn Cống, Lương Định Của (quận 2)… rác thải đổ về tập kết khá nhiều. Không chỉ xuất hiện ở ven đường, trong lùm cây mà còn nổi bồng bềnh trên kênh, rạch.
Trong số các điểm đen này phải kể tới tuyến đường Nguyễn Văn Linh, tuyến quốc lộ 1A. Rác đổ về đây đủ loại, từ xà bần, xác động vật chết cho tới chất thải sinh hoạt và vào lúc cao điểm có thể lên tới hàng tấn rác. Đáng chú ý, ở khu vực các dạ cầu (tuyến đường Nguyễn Văn Linh), rác thải chất thành đống. Anh Mai Văn Năm, một người chạy xe ôm thường xuyên trên địa bàn quận 7, bức xúc nói: “Đường thoáng, rộng, có nhiều bãi cỏ um tùm nên đây là nơi lý tưởng để những người thiếu ý thức xả thải trực tiếp ra môi trường. Lần nào chở khách chạy qua đại lộ Nguyễn Văn Linh tôi cũng bắt gặp cảnh người dân lén đổ rác thải. Mùi hôi thối, ruồi nhặng bu kín quanh các bãi rác khiến người dân địa phương sinh sống, buôn bán gần các điểm ô nhiễm này rất khổ sở”.
Rác bên đường Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Ảnh: THÀNH TRÍ
Thực tế, rác thải không chỉ đổ về ở khu vực ngoại thành mà còn tấp ở nhiều điểm thuộc nội ô thành phố. Dọc các tuyến đường như Trường Chinh (quận Tân Bình), Tân Sơn (giáp ranh quận Tân Bình và Gò Vấp)… vào chiều tối mỗi ngày, khi công nhân dọn dẹp vệ sinh vừa hoàn thành nhiệm vụ thì cũng là lúc rác thải ở nhiều nơi nhanh chóng dồn về.
“Nhiều hôm tôi vừa quét dọn sạch sẽ tuyến đường, tính quay lưng đẩy thùng rác đi thì nghe có tiếng lộp bộp phía sau. Giật mình quay lại, chợt thấy mấy bọc rác to đùng vứt vương vãi ngay chỗ vừa dọn sạch. Bỏ đi thì thấy áy náy, thiếu trách nhiệm mà cứ loay hoay dọn dẹp mãi một góc đường thì không ổn chút nào”, chị Bích Nguyễn, công nhân dọn dẹp vệ sinh trên đường Trường Chinh (gần chợ Võ Thành Trang, quận Tân Bình), phản ánh. Tương tự, một đoạn đường ngắn chỉ vài trăm mét trên đường Tân Sơn, đoạn từ đầu đường Quang Trung tới trước cổng Làng trẻ em SOS (quận Gò Vấp), cũng thường xuyên là nơi tập kết rác thải từ khắp nơi đổ về hết sức nhếch nhác, hôi thối. Cao điểm ngập rác thường bắt đầu từ chiều tối, hoặc sáng sớm, trước khi các xe nâng ép rác, lực lượng công nhân vệ sinh chuẩn bị làm nhiệm vụ thu gom rác.
Địa phương phải chịu trách nhiệm
Trao đổi về thực trạng này, bà Trần Thị Hồng Cúc, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thành, quận Tân Phú, chia sẻ, hiện đã có quyết định 155 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phát hiện và xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng. Tuy nhiên, tổ chức lực lượng nào tuần tra, phát hiện và xử phạt là vấn đề khó. Phường cũng đang thí điểm tập huấn cho lực lượng quản lý đô thị và cán bộ quản lý môi trường công tác xử lý hành vi xả rác nơi công cộng, nhưng cũng phải thừa nhận rằng lực lượng này không thể tuần tra 24/24 giờ nên bước đầu chưa thể kiểm soát hết tình trạng xả rác bừa bãi.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là tình trạng rác xả tràn lan khu vực giáp ranh không có đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, quét dọn. Tình trạng này xuất phát từ bất cập trong công tác quản lý chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Theo đó, hiện đang có rất nhiều đơn vị phụ trách công việc thu gom quét dọn rác trực thuộc nhiều đơn vị quản lý khác nhau. Đơn cử như phụ trách quét dọn rác khu vực dải phân cách các làn đường sẽ do Công ty TNHH MTV Công trình giao thông công chánh thực hiện.
Còn phụ trách quét dọn trên hệ thống mặt cầu (tức từ chân cầu bên này đến chân cầu bên kia) do Công ty TNHH MTV Công trình cầu phà TPHCM thực hiện. Với khu vực từ mép đường ra đến lòng đường 1m thuộc quận huyện này sẽ do Công ty TNHH MTV Công ích quận huyện đó chịu trách nhiệm. Riêng khu vực vỉa hè cho đến nay đã không còn khoán quét dọn rác, ngoại trừ vỉa hè khu vực cơ quan công sở và một số công viên chính của thành phố. Đó cũng là lý do mà rất nhiều vỉa hè của thành phố tràn ngập rác.
Tương tự, tại khu vực giáp ranh với các quận trên hệ thống đường bộ thì không có quận, huyện nào đứng ra chịu trách nhiệm thu gom. Còn trên hệ thống kênh rạch thì luôn xảy ra tình trạng đùn đẩy rác từ quận khu vực thượng nguồn xuống địa phận của các quận, huyện khu vực hạ nguồn kênh rạch. Hệ quả là tình trạng tắc nghẽn kênh rạch do rác luôn xảy ra ở hạ nguồn, gây ô nhiễm nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân. Tình trạng bất cập trong quản lý thu gom, quét dọn rác đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Không những thế, việc chậm xây dựng đơn giá thu gom, quét dọn rác hiện nay cũng chưa thống nhất. Việc thực hiện thu gom quét dọn rác của các công ty dịch vụ công ích quận, huyện chỉ dựa trên đơn giá tạm tính. Do đó, chi phí thực tế mà Sở Tài nguyên và Môi trường phải chi trả cho các đơn vị, công ty công ích quận, huyện cũng chỉ được xác định là tạm ứng hay tạm thanh toán dựa trên đơn giá tạm tính.
ÁI VÂN - GIA HÂN