Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa có cuộc họp với các sở ban ngành, quận huyện liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường ở các khu chung cư trên địa bàn thành phố. Theo nhiều ý kiến, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc không xác định được ai là chủ thể, người quản lý có trách nhiệm trực tiếp ở các khu chung cư.
Mập mờ trách nhiệm quản lý
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện các khu chung cư trên địa bàn thành phố đều xả nước thải vào chung một đường ống với khu vực người dân sinh sống, trường học, bệnh viện... Mặt khác, không ít chung cư hiện chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng vận hành không thường xuyên, xả thải vượt các tiêu chuẩn cho phép ra thẳng môi trường. Trong khi các giải pháp xử lý lại chưa thống nhất. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện nay rất khó xác định các chủ thể của các khu chung cư. Một chung cư hiện nay có thể bao gồm chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị. Đối với các chủ đầu tư, sau khi thực hiện xong dự án ở khu vực này họ có thể bán hết cho người dân rồi chuyển đi chỗ khác để đầu tư xây dựng chung cư khác nên rất khó xác định chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm. Trong khi đó, ban quản trị chung cư hầu như không có trách nhiệm và tiếng nói gì nên không thể trực tiếp làm việc được. Còn ban quản lý thì nhiều khi họ lại không chịu trách nhiệm vì nói rằng đây là do chủ đầu tư bàn giao lại.
Đại diện quận Thủ Đức cho biết, ở địa bàn quận, việc xử lý các hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường đối với các chung cư cũng gặp khó bởi không xác định được ai là chủ thể. Đơn cử như ở khu vực giáp ranh giữa Thủ Đức và Bình Dương, nhiều lô chung cư nằm trên địa phận Bình Dương nhưng xả thải vào địa bàn quận Thủ Đức (TPHCM). Vì không biết ai là người quản lý trực tiếp nên địa phương cũng không có phương án xử lý. Tuy nhiên, cũng theo đại diện quận Thủ Đức, nếu chung cư vi phạm các yếu tố về môi trường như: không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, không vận hành hệ thống xử lý nước thải, xả thải vượt chuẩn… thì cứ quy trách nhiệm cho chủ đầu tư xây dựng. Trong khi đó, đại diện quận 7 cho biết, ở Phú Mỹ Hưng, tất cả các chung cư đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên quá trình vận hành thì không thường xuyên, lý do là không có kinh phí vận hành bởi các bên không thống nhất được nguồn kinh phí.
Cần phân loại chung cư
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn thành phố khá đa dạng các loại chung cư. Đơn cử như chung cư cao cấp có thể cho một đơn vị khác khai thác kinh doanh một phần nào đó, phần còn lại bán cho người dân để ở; chung cư dành riêng cho tái định cư, căn hộ cao cấp… Vì lý do này, cần phải phân loại các khu chung cư để có những phương án quản lý phù hợp. Nếu là chung cư tái định cư có thể bàn giao cho quận, huyện quản lý. Còn nếu là chung cư cao cấp có yếu tố kinh doanh thì phải yêu cầu chủ đầu tư có hợp đồng ràng buộc với ban quản lý hay ban quản trị để có trách nhiệm rõ ràng trong các vấn đề liên quan đến chung cư. Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cũng cho biết, có thể xử phạt các chung cư khi không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và người chịu trách nhiệm chính là các chủ đầu tư. Song, cũng phải phân biệt cụ thể các loại chung cư để có những cách tiếp cận phù hợp. Nếu là chung cư thương mại khi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sẽ rất khó xác định được chủ thể là ai, nếu là chung cư tái định cư việc xác định chủ thể có thể dễ dàng hơn.
Đa số ý kiến các quận, huyện đều cho rằng, trước khi cấp giấy phép xây dựng cho các công trình là chung cư, khu chung cư nên kèm điều khoản ai là chủ thể có trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến khu chung cư đó. Ngoài ra, còn phải yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng thiết kế bản vẽ công trình bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải cho khu chung cư nhằm bảo vệ môi trường xung quanh dự án. Như vậy mới có thể ràng buộc được các chủ đầu tư sau khi bàn giao công trình rồi chuyển đi đầu tư ở các khu vực khác vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các công trình của mình.
Về giải pháp lâu dài, một số ý kiến cho rằng, thành phố phải có chính sách hỗ trợ đầu tư các khu xử lý nước thải tập trung tại các chung cư. Điều này vừa giảm được gánh nặng chi phí cho người đang ở chung cư đồng thời cũng dễ dàng hơn khi kiểm soát các hành vi vi phạm của các chủ đầu tư, ban quản trị hay ban quản lý các khu chung cư.
MINH HẢI