Khoa học ngày càng... xa rời cuộc sống?

Chưa bao giờ, cụm từ thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm độc lại xuất hiện nhiều trên mặt báo đến thế. Và người chết vì bệnh ung thư ngày một nhiều. Rồi khi căn bệnh ung thư tiệm cận với... đại dịch, vẫn chưa thấy một công trình nghiên cứu khoa học nào về mối liên hệ giữa thực phẩm, môi trường với bệnh ung thư.

Chưa bao giờ, cụm từ thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm độc lại xuất hiện nhiều trên mặt báo đến thế. Và người chết vì bệnh ung thư ngày một nhiều. Rồi khi căn bệnh ung thư tiệm cận với... đại dịch, vẫn chưa thấy một công trình nghiên cứu khoa học nào về mối liên hệ giữa thực phẩm, môi trường với bệnh ung thư.

Tại hội thảo hợp tác đa ngành trong phòng chống ung thư quốc gia do Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức ngày 8-12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới ung thư và dự báo tới năm 2020 sẽ có 189.000 trường hợp mắc căn bệnh hiểm nghèo này mỗi năm. Chưa bao giờ, người dân Việt Nam chết vì bệnh ung thư nhiều như thế. Ung thư ở mọi lứa tuổi, giới tính. Bệnh nhân ung thư ở Việt Nam gây chết người còn hơn cả chiến tranh.

Ban đầu, tưởng đâu người mắc bệnh ung thư thuộc lớp người nghèo khó của xã hội, do thiếu ăn hoặc ăn uống không hợp vệ sinh mà ra. Nhưng không, những người mắc và chết vì ung thư rơi vào những người khá giả, giàu có lại nhiều hơn. Thậm chí, nhiều cán bộ trong diện “được chăm sóc sức khỏe đặc biệt” cũng chết vì ung thư. Trong khi đó, những người nghèo khó, vốn nguồn thực phẩm phục vụ gia đình chủ yếu là “tự cung tự cấp” từ mảnh ruộng, khu vườn của chính mình, thì bệnh ung thư thưa hơn.

Thi thoảng, báo chí lại gióng chuông ở một nơi nào đó có “làng ung thư”, “xã ung thư” và nghi ngờ chính ô nhiễm môi trường, thực phẩm độc hại gây ra các bệnh ung thư. Thế nhưng, không lâu sau đó khi bài báo phát hành, thường các cơ quan chức năng ra kết luận “chưa có cơ sở xác định...”, như là sự trấn an dư luận. Mà thật, chẳng có cơ sở nào để kết luận ô nhiễm môi trường gây ra bệnh ung thư vì lâu nay có ai nghiên cứu về nó đâu? 

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Trần Ngọc Vinh phải thốt lên rằng “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại ngắn đến thế” khi chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát. Nghe đài, xem báo chí, người dân thấy đại biểu Quốc hội nói hay lắm, đúng lắm. Nhưng nghe xong lại... phát hoảng. Vì, không biết mình và người thân có thoát được án tử của căn bệnh ung thư sau khi nghe câu nói ấy?
Không phải đến bây giờ thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa chất độc mới được đề cập. Cả chục năm trước, báo chí, dư luận xã hội đã gióng lên hồi chuông cảnh báo người trồng rau dùng hóa chất cho rau phát triển nhanh và đẹp; người chăn nuôi dùng chất cấm để gia súc, gia cầm mau lớn bán cho có giá. Vậy nhưng, đến nay, dù là người “sành ăn” đến đâu cũng chẳng thể biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm chứa chất độc hại.

Khi con người muốn làm giàu nhanh... trong sự khốn khó, họ sẵn sàng bán sức khỏe đồng loại để lấy tiền. Rau tưới bằng hóa chất độc hại; trái cây ngâm hóa chất; thịt heo ngậm chất cấm gấp hàng trăm lần. Rồi đến rượu giả, bia giả, thuốc lá giả, sữa giả... Thậm chí thuốc chữa bệnh cũng giả. Những thứ hàng giả ấy hàng ngày vẫn nghiễm nhiên qua mắt tất cả các cơ quan quản lý từ cấp bộ đến địa phương để ra thị trường với số lượng lớn, đi vào dạ dày hàng chục triệu dân, trong khi thực phẩm sạch chỉ lưu thông trong phạm vi... gia đình theo kiểu sản xuất “tự cung - tự cấp”.

Tất cả do lòng tham của con người mà ra. Nhưng, nếu như các cơ quan quản lý làm việc bằng trách nhiệm và trái tim của mình thì câu chuyện đã khác.

Mấy ngày qua, thông qua báo chí, người dân “thấy” Bộ NN-PTNT “tuyên chiến với chất cấm trong chăn nuôi” và phát hiện, bắt giữ nhiều doanh nghiệp, cá nhân, trại chăn nuôi... buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tại sao thực trạng này tồn tại cả chục năm mà đến nay Bộ NN-PTNT mới tuyên chiến? Mà chỉ mỗi Bộ NN-PTNT tuyên chiến có thể tiêu diệt hết không?

Chúng ta có cả ngàn giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ... nhưng lại thiếu vắng những nghiên cứu khoa học về mối liên hệ giữa thực phẩm, môi trường đối với sức khỏe người dân, đến căn bệnh ung thư đang giết hàng ngàn người dân.

Đã đến lúc, các bộ ngành trung ương và địa phương phải đánh giá mọi mặt đời sống xã hội dựa trên những nghiên cứu khoa học bài bản, hệ thống và độc lập. Bởi lẽ, mọi sự vật, hiện tượng chỉ lộ rõ bản chất khi được soi chiếu qua “lăng kính” khoa học. Còn những suy luận, phán đoán, nhận định, đánh giá... chỉ là công cụ hỗ trợ phục vụ nghiên cứu khoa học mà thôi. Dường như, ở ta, khoa học ngày càng... xa rời cuộc sống. Đối tượng của khoa học ở ta không còn là cuộc sống nữa, mà là lợi ích. Khi nào người Việt còn cố làm giàu bằng mọi giá thì lúc ấy, dân tộc Việt còn bị đầu độc và còn nhiều cái chết bởi ung thư.


NGUYÊN  KHÔI

Tin cùng chuyên mục