Sở hữu trí tuệ

Bài 3: Luật SHTT Việt Nam 2005: Các quy định chung liên quan đến nhãn hiệu

Trước khi đi sâu xem xét các vấn đề cơ bản của pháp luật nhãn hiệu được thể hiện tập trung tại Phần thứ ba và Phần thứ năm của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), hãy điểm qua một số khái niệm chung nhất được quy định trong Phần thứ nhất.

Theo Điều 4 Luật SHTT, quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với các tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) và quyền đối với giống cây trồng (Khoản 1).

Quyền SHCN là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh (Khoản 4).

Nhãn hiệu (NH) được định nghĩa là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau (Khoản 16), trong đó, có bốn loại NH đặc biệt là: NH tập thể (để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu NH đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức – Khoản 17), NH chứng nhận (do chủ sở hữu NH cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của họ để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của sản phẩm – Khoản 18), NH liên kết (các NH trùng hoặc tương tự nhau, do cùng một chủ thể đăng ký cho các sản phẩm cùng loại, tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau – Khoản 19) và NH nổi tiếng (được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam – Khoản 20).

Theo Điểm a, Khoản 3, Điều 6 của luật, quyền SHCN đối với NH chỉ phát sinh trên cơ sở văn bằng bảo hộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo thủ tục đăng ký quốc gia hoặc quốc tế. Riêng đối với NH nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng NH và không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Theo Khoản 6, Điều 4 của luật, chủ thể quyền SHTT là chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền SHTT. Điều 7 của luật quy định, chủ thể quyền chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ và việc thực hiện quyền không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, cũng như không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo Điều 2, các quy định của luật được áp dụng đối với các chủ thể Việt Nam và chủ thể nước ngoài đáp ứng các điều kiện quy định trong luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Theo Khoản 2, Điều 5, trong trường hợp điều ước quốc tế liên quan có quy định khác với quy định của luật thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. 

ĐÀO MINH ĐỨC

Thông tin liên quan:

Bài 2: Cấu trúc Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam năm 2005

Tin cùng chuyên mục