Khoảng cách trong học đường

Khoảng cách trong học đường

Có một hiện tượng phân biệt không chỉ xảy ra giữa học sinh trường này với trường khác, giữa sinh viên các trường đại học mà còn diễn ra ngay trong phạm vi một trường, một lớp, tạo nên khoảng cách vô hình giữa bạn bè cùng trang lứa.

  • Phân biệt “đẳng cấp”

Từ Kiên Giang lên TPHCM học cấp 3 tại trường Bán công N.T.B., ngày học đầu tiên, Bích Thủy đã bắt gặp nhiều cái nhìn không mấy thân thiện của một số bạn trong lớp. Dù cố gắng tìm mọi cách làm quen với bạn bè nhưng Thủy chỉ nhận được thái độ ơ hờ.

Khoảng cách trong học đường ảnh 1

Những buổi học nhóm vui vẻ là kỷ niệm không quên của thời đi học.

Để bắt nhịp với môi trường học tập mới, Thủy chịu khó lắng nghe thầy cô giảng bài và đóng góp ý kiến. Từ đó, lớp học bắt đầu xì xầm về “người mới đến” này. Ngân, thủ lĩnh nhóm “Tứ bộ danh đán” trong lớp, hậm hực: “Con nhỏ dưới quê lên làm ra vẻ quá bây ơi! Nó muốn lấy lòng thầy cô đó mà!”. Mỗi lần không hiểu bài, Thủy hỏi thì Ngân ngấm nguýt. Có lần học thể dục ở quận Tân Bình, biết Thủy không rành đường, nhóm của Ngân cố tình chỉ sai, khiến cô bé đến trễ, bị thầy phạt chạy 3 vòng sân mệt lừ.

Trong các trường phổ thông thì học sinh lớp thường và lớp chọn hay có ác cảm về nhau. Học sinh lớp thường nhận xét học sinh lớp chọn “chảnh”, còn học sinh lớp chọn lại xem thường các bạn lớp khác. Giữa học sinh các trường phổ thông hệ công lập, bán công, chuyên và dân lập cũng có sự phân biệt không kém. Vũ và Huyền cùng học chung và chơi thân với nhau suốt thời cấp hai.

Lên cấp ba, Vũ đậu vào Trường chuyên L. còn Huyền vào Trường Bán công M.. Một lần, Huyền hỏi thăm chuyện học ở trường Vũ, Vũ nói thẳng: “Trường mình là trường chuyên mà, nhiều người học giỏi không thể tưởng tượng, trường của bạn không thể sánh đâu, hai đẳng cấp khác biệt!”.

  • “Nhóm, xóm” ở giảng đường đại học

Học chung hai năm trời, thế nhưng hơn 100 sinh viên (SV) lớp K. ĐH KHXH&NV TPHCM vẫn chưa nhớ hết mặt và biết hết tên của nhau. Nghe có vẻ buồn cười nhưng đó là sự thật. Một số lớp còn phân thành nhiều nhóm với những cái tên nghe khá… mắc cười: SV ở tỉnh bị gọi là “xóm nhà lá”, SV thành phố khá giả tự phong là “nhóm nhà lầu”, ở ký túc xá là “ xóm ký túc xá”, ở nhà trọ là “xóm nhà trọ”…

Lằn ranh giữa các “xóm” này rất rạch ròi, SV cùng “xóm” lập thành nhóm và chơi chung với nhau. Chỉ tội cho cán bộ lớp, cán bộ Đoàn và giáo viên chủ nhiệm luôn đau đầu mỗi khi phân chia nhóm thực hành, thuyết trình, thảo luận… Dạo học môn Nghiên cứu Khoa học, lớp trưởng lớp K. chia nhóm theo danh sách đã bị nhiều SV phản ứng với lý do khá kỳ cục: “Chia nhóm theo danh sách thì thà… bị điểm 0. Mình ở thành phố, tụi kia ở ký túc xá, không thể gần nhau được, có làm chung cũng không hiểu nhau đâu”.

Ở ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Bách khoa TPHCM, vào năm nhất, số ngành phải học tại cơ sở ở Thủ Đức, số còn lại học ở cơ sở chính của trường trong nội thành. Đến năm thứ hai, tất cả sinh viên gộp lại học chung, thế là khoảng cách giữa họ xuất hiện. Các SV học ở Thủ Đức chơi với nhau còn SV nội thành cũng có “khoảng trời riêng” của mình. Hằng ngày, đối diện nhau trong lớp học nhưng hai bên đều xác định là chỉ nói chuyện “xã giao”.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ tới lời khuyên của ai đó: bạn bè là chỗ dựa không thể thiếu, ngoài gia đình. Tạo ra khoảng cách với bạn bè, dù ở bất kỳ ở vùng, miền nào hay lĩnh vực nào, là vô tình làm chỗ dựa của mình yếu đi. Bạn có nghĩ thế không? 

THỦY BÍCH

Tin cùng chuyên mục