Khoảnh khắc tận cùng

Nếu thua vì chơi không tốt thì còn có thể phấn đấu được. Đã chơi rất tốt, thống trị đối phương đến vậy mà vẫn thua, điều này có thể xem như là tận cùng của mọi chuyện.

1. Thống kê của nhật báo Guardian cho thấy Man.City nắm ưu thế cầm bóng đến 73%, dứt điểm 18 lần và được hưởng 13 quả phạt góc. So với họ, mỗi chỉ số tương ứng của Crystal Palcace chỉ bằng hơn một phần ba là cùng. Ngay cả HLV Pardew của Crystal Palace cũng phải thừa nhận rằng “chúng tôi đã đối đầu một đội hình đầy quyết tâm, không hề thi đấu nghèo nàn rời rạc mà rất mạnh”.

Man.City liệu sẽ chấp nhận sự thật mất ngôi vô địch để tiếp tục tranh đấu tốp 4?

Vậy mà kết quả cuối cùng vẫn là 2-1 cho kẻ yếu. Thậm chí kẻ yếu ấy còn “ngang nhiên” dẫn trước 2 bàn nhờ công Glenn Murray ở phút 34 và Jason Puncheon ở phút 48. Đến khi chỉ còn 12 phút, Man.City mới gỡ được bàn danh dự bằng một cú sút sấm sét trứ danh của tiền vệ Yaya Toure. “Với lối chơi như chúng tôi, lẽ ra Man.City phải thắng!”, nhà cầm quân Pellegrini ngao ngán nói.
Ông ngao ngán một thì người hâm mộ Man.City ngao ngán tới mười. Mùa này có quá nhiều trận như vậy rồi. Những trận họ thống trị tuyệt đối, tưởng như sẽ nghiền nát đối thủ đến nơi mà rồi vẫn lại thua hoặc là suýt thua: Burnley, Stoke, Hull và bây giờ là Crystal Palace. Ý trời chăng? Không, chủ yếu vẫn do người chứ không phải do trời. Chủ yếu vẫn vì Man.City làm gì cũng vẫn cứ thiếu một chút gì đó, không thể bật hẳn lên được. Trên sân Palace, cái thiếu ấy đã lộ ra ngay từ cái mảng mà ai cũng thừa nhận là họ dồi dào sức mạnh nhất: khâu tấn công.

2. Theo báo Guardian, trước khi họ bị lọt lưới ở phút 34, có đến 32 phút rưỡi họ liên tục bố ráp ở phạm vi chỉ 10m trước khung thành đối phương. Họ đánh dồn dập 2 cánh. Họ đập liên miên ở trung lộ. Nhạc trưởng Silva của họ chiếm hẳn địa bàn trước vòng cấm địa, điều phối nhịp độ khi nhanh khi chậm và thỉnh thoảng lại thả một đường chuyền nguy hiểm ra sau lưng hậu vệ cánh Palace như là... thả lựu đạn vậy.

Thế nhưng, vẫn có 2 vấn đề: Một là thống trị thế nào thì thống trị, Man.City cũng không xóa sổ được phẩm chất chiến đấu mà HLV của Palace gọi là “bản lĩnh, sự cần cù và sức bật”. Thứ nhì, ưu thế gì thì ưu thế, Man.City cũng chỉ tạo ra vỏn vẹn 4 pha dứt điểm đúng hướng khung thành. Một cú của Silva vào vai thủ môn, một cú của Aguero vướng phải tay thủ thành, một của Fernandinho bị McArthur phá mất và một cũng của Fernandinho bị Murray dùng tay cản lại mà trọng tài không thấy. Vô số pha phối hợp, biết bao nhiêu đường chuyền như những vòng dây thít chặt con mồi mà chỉ có 4 lần ra đòn đúng chỗ như vậy thì quá ít.

Tức là trong một chừng mực nào đó thì ưu thế thống trị của Man.City chỉ có tác dụng về mặt gây ấn tượng - rất lấn lướt nhưng không thật hiệu quả. Và tấn công mà đã vậy thì phòng ngự càng kém hiệu quả hơn. Như đã nêu trên, Man.City đã giành được tới 32 phút rưỡi ở đầu trận để dồn ép Palace tới nơi tới chốn, nhưng ngay khi đối phương có một pha phạt góc hiếm hoi thì họ nhận luôn một bàn thua: Khi bóng được trả vào vòng cấm địa, Joe Hart chỉ kịp chặn cú sút của Scott Dan bằng... đùi. Anh không thể chặn tiếp cú sút quá gần của Murray. Đến phút 48, Joe Hart tiếp tục lọt lưới ở một tình huống cố định khác, đó là cú sút phạt của Puncheon. Theo báo chí Anh, một thành phần thi đấu có tới 8 cầu thủ 29-30 tuổi trở lên như Man.City thì lẽ ra phải sắp xếp tốt hơn trong 2 tình huống lọt lưới ấy.

3. Và cũng theo báo chí Anh, quả phạt thành bàn của Puncheon đã trở thành đòn đánh “tận cùng” đối với Man.City. Không chỉ là ấn định thất bại đối với City ở trận cầu này mà còn kết liễu luôn những hy vọng nhỏ nhoi còn sót lại về chức vô địch. Man.City đã rớt xuống vị trí số 4. Khoảng cách giữa họ với ngôi đầu của Chelsea đã tăng lên 9 điểm, và họ đang đá nhiều hơn một trận (31-30). Thế đấy, Chelsea đã xuống sức-xuống phong độ nhưng vẫn thắng Stoke 2-1, trong khi Man.City đá gần như là tốt nhất mà vẫn cứ thua Palace 1-2. So sánh như thế để thấy rằng thầy trò Pellegrini còn biết trông cậy vào đâu trong những lượt trận còn lại?!

Hưng Nguyên

Tin cùng chuyên mục