Khoanh vùng điểm nóng sạt lở

Khoanh vùng điểm nóng sạt lở

Thống kê mới nhất của ngành chức năng cho thấy địa bàn TPHCM hiện có 42 điểm nóng có nguy cơ sạt lở cao.

Một dãy nhà có nguy cơ sạt lở tại khu vực Thanh Đa - Bình Quới đã được giải tỏa. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Một dãy nhà có nguy cơ sạt lở tại khu vực Thanh Đa - Bình Quới đã được giải tỏa. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Đến hẹn lại lên

Hiện tượng sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch và kể cả bờ biển trên địa bàn TP đã xảy ra từ lâu và thuộc loại chuyện không mới nhưng năm nào cũng có chuyện để nói, nhất là vào “mùa” sạt lở từ tháng 6 đến tháng 8 Dương lịch hàng năm.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM (PCLBTP), hiện nay toàn TP có 42 vị trí thuộc dạng nguy cơ cao về sạt lở, trong đó 40 điểm sạt lở bờ sông và 2 điểm sạt lở bờ biển. So với cách đây gần 1 năm, số lượng vị trí có nguy cơ sạt lở tuy có giảm đi đáng kể (từ 100 điểm còn 42 như hiện nay), nhưng bản chất vấn đề hầu như không thay đổi. Đơn giản vì 42 “điểm nóng” có nguy cơ sạt lở này nằm ở những vị trí nhạy cảm đã thế lại dàn trải trên địa bàn nhiều quận huyện, chẳng hạn như tại khu vực cầu Giồng Ông Tố, đường Nguyễn Thị Định-quận 2; bờ kênh Tẻ tại khu vực bến xe buýt ở quận 4; khu vực bến đò Long Đại trên sông Tắc-quận 9; khu vực từ nhà hàng Gấu Misa đến đầu tuyến kè Lasan Mai Thôn thuộc quận Bình Thạnh; khu vực bến đò Bình Quới, phường Linh Đông quận Thủ Đức; khu vực cầu Hiệp Phước, cả về phía hạ lưu lẫn thượng lưu thuộc huyện Nhà Bè; bờ tả sông Soài Rạp tại khu vực phà Bình Khánh…

Hậu quả của tình trạng sạt lở đất ven sông, kênh, rạch và bờ biển rất đáng lo ngại. Trong số 30 vụ sạt lở năm ngoái, có 3 căn nhà bị chuồi xuống sông, 2 căn nhà sạt lở một phần và hơn 4.000m2 đất, hoa màu, công trình kiến trúc bị “hà bá nuốt” chỉ trong chớp mắt. Những thiệt hại vật chất có thể đo đếm, nhưng thiệt hại vô hình về tinh thần không thể nào tính đúng tính đủ.

Chống sạt lở từ đâu ?

Ban Chỉ huy PCLBTP đã chỉ ra gần chục nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở ven sông, kênh, rạch và bờ biển trên địa bàn. Đáng chú ý như đặc điểm địa chất, địa hình, chế độ thủy văn, thủy lực dòng chảy. Đặc biệt là đặc điểm thủy triều biển Đông đã làm thay đổi đường bão hòa thấm, áp lực thấm, trọng lượng khối đất mép bờ sông hoặc tạo nên những dòng nước xoáy tác động vào vùng hoặc khu vực có nền đất yếu để hình thành các hàm ếch rất nguy hiểm.

Thế nhưng ngoài các yếu tố thuần túy thuộc về tự nhiên như thế, thật đáng buồn khi còn có hàng loạt tác nhân do con người. Xây dựng nhà cửa, kho hàng, vật kiến trúc, lập bến bãi sát mép bờ đã làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu từ đó gây ra hiện tượng nén lún, ép trồi khối đất bờ ra mái bờ và phá vỡ tính ổn định kết cấu mái bờ sông. Song song đó hoạt động kinh doanh khai thác cát trái phép tích tụ nhiều năm đã tạo ra hàm ếch, làm thay đổi dòng chảy gây nên những xáo trộn bất thường. Trong khi đó, công trình bờ kè xây dựng lại làm tự phát không theo quy hoạch, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật…

Điều đáng lưu ý, TPHCM tuy có một loạt dự án chống sạt lở, nhưng việc triển khai không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi, trơn tru. Giám đốc Khu đường sông TPHCM Ngô Quang Mãnh nhận định rằng, để các dự án chống sạt lở nhanh chóng đi vào đời sống, rất cần TP ưu tiên cấp kinh phí phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời quận huyện phải quan tâm hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để lấy chỗ cho dự án được thực hiện.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục