Khỏe để vui xuân

Khỏe để vui xuân

Tết đến, xuân về là dịp mọi người họp mặt, vui chơi sau một năm bận rộn. Đây cũng là dịp không thể thiếu những bữa tiệc cùng bạn bè, đồng nghiệp, gia đình... Tuy nhiên, vui xuân thế nào để không ảnh hưởng sức khỏe là điều cần lưu ý.

Chế độ dinh dưỡng cân bằng

Đủ bốn nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn: Chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng. Không ăn quá nhiều đạm, béo mà quên các chất dinh dưỡng quan trọng có từ rau củ, trái cây tươi. Hạn chế ăn các loại bánh mứt ngọt. Thay các loại bánh mứt, kẹo ngọt bằng các loại hạt tốt cho sức khỏe như hạt điều, hạt dẻ, hạt hạnh nhân, hạt sen sấy... Hạn chế thức ăn chiên xào giàu chất béo, nên chế biến hấp, luộc. Đặc biệt, với lượng thức ăn giàu đạm, giàu béo từ bánh chưng, bánh tét, nên ăn kèm nhiều rau xanh, dưa giá, dưa chuột... giúp giảm thiểu hấp thụ các chất béo, ngọt.

Các loại nước giải khát, nước tăng lực… chứa nhiều đường cũng không nên dùng quá nhiều, nhất là với người cao tuổi, người béo phì, bệnh mạn tính. Có thể thay bằng nước ngọt dành cho người ăn kiêng, nước dừa, nước trái cây tươi.

Uống đủ nước

Nước rất cần cho cơ thể, ngày thường bạn đã được khuyên uống trung bình 2 lít nước mỗi ngày. Vào ngày tết bạn càng phải lưu ý hơn, vì trong những bữa ăn ngày Tết, bạn thường uống nước ngọt hoặc bia nhiều hơn nước lọc. Những thức uống đó và một số loại khác như trà, cà phê thực chất chỉ giúp bạn giải khát chứ không thể bổ sung đủ nước cho cơ thể.

Hạn chế đồ uống có cồn

Rượu, bia không thể thiếu trong dịp Tết. Nhưng về phương diện dinh dưỡng, rượu bia là chất có hại cho cơ thể, độ cồn trong rượu càng cao, tác dụng độc càng mạnh. Vì vậy, chỉ nên uống rượu bia chừng mực, đủ để kích thích ăn ngon và vui vẻ trong không khí Tết.

Ăn đủ bữa

Cần tổ chức bữa ăn gia đình trong dịp Tết đủ 3 bữa chính trong ngày. Đặc biệt với gia đình có trẻ nhỏ hoặc người lớn mắc các bệnh mạn tính, việc ăn uống thất thường, ăn vặt bánh kẹo ngọt cả ngày khiến bữa chính mất ngon, gây thiếu hụt dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì do dư thừa năng lượng, gây rối loạn đường huyết, tăng huyết áp ở những người đang mắc các bệnh này nếu không duy trì bữa ăn phù hợp.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, người tiêu dùng nên chọn những thực phẩm an toàn cho gia đình. Nên mua thực phẩm ở những nơi uy tín, không mua thực phẩm tươi sống ở những nơi bày bán không đảm bảo vệ sinh.

Không mua rau quả đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có hình dạng bất thường như quá mập, quá phồng.

Ngày Tết cũng không nên mua quá nhiều thức ăn tươi để dành vì dễ hư hỏng, mất chất dinh dưỡng nếu bảo quản không tốt, nên mua vừa đủ ăn 1-2 ngày.

Thực phẩm đóng gói, đóng hộp như lạp xưởng, xúc xích, bánh mứt, nước đóng chai,... nên chọn những loại có nhãn mác, nhà sản xuất uy tín, còn hạn dùng, đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên bao bì để chọn lựa những sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Mong rằng với những kiến thức về dinh dưỡng, với sự khéo léo của các bà nội trợ, mỗi gia đình sẽ vui xuân thật đầm ấm, hạnh phúc mà vẫn đảm bảo sức khỏe.

BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood

Tin cùng chuyên mục