Tuy còn hơn 4 tháng nữa mới kết thúc, nhưng kết quả sơ bộ từ cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp trên toàn quốc (được tiến hành 5 năm một lần) đã cung cấp những cơ sở dữ liệu ban đầu cho thấy tầm vóc của kinh tế - xã hội Việt Nam đã “lớn lên” như thế nào.
Theo kết quả sơ bộ cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2012 do Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) thực hiện, tính đến 1-7-2012, cả nước có gần 5,2 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tăng 27,7% so với năm 2007. Như vậy mức tăng bình quân mỗi năm khoảng 5%. Cùng kỳ, số lượng lao động trong các đơn vị là 22,5 triệu người, tăng 38,6% so với năm 2007. Tốc độ tăng bình quân mỗi năm về số lượng lao động là 6,7%, cao hơn tốc độ tăng về số lượng cơ sở. Điều này thể hiện quy mô của cơ sở được mở rộng hơn.
Doanh nghiệp là loại hình dẫn đầu về mức tăng số lượng đơn vị và thu hút số lượng lao động khá lớn. Tính đến 1-1-2012 nước ta có gần 342.000 doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 216.500 doanh nghiệp và gấp 2,7 lần so với năm 2007, trong đó có 313.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Khối doanh nghiệp đã thu hút 10,9 triệu lao động, trong đó có 10,77 triệu lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 65% so với năm 2007.
Ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH-ĐT cho biết, mặc dù những số liệu điều tra về doanh nghiệp không hoàn toàn chính xác, vì có những trường hợp không hợp tác với cơ quan đến điều tra, song nhìn chung, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn cao hơn so với số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Tính đến 31-12-2012, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động là 54.261 doanh nghiệp (cao hơn, nhưng không quá nhiều so với con số của năm 2011 là 53.922 doanh nghiệp). Cũng trong năm 2012, có 69.874 doanh nghiệp được thành lập mới.
Trong khi đó, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng khu vực dịch vụ tăng dần tỷ trọng; mật độ các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp tăng lên nhanh chóng nhưng không đồng đều giữa các vùng. Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng vẫn là nơi tập trung đông nhất số đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp; tiếp đến là vùng Đông Nam bộ. Khu vực có mật độ kinh tế, hành chính sự nghiệp thấp hơn cả là vùng Tây Nguyên, vùng trung du và miền núi phía Bắc.
ANH THƯ