Từ ngày 1-12, việc sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5 để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ sẽ được triển khai toàn quốc. Tuy nhiên, với hàng loạt tồn tại, vướng mắc chưa được tháo gỡ, e rằng kế hoạch triển khai bán đại trà loại nhiên liệu này rất khó thực hiện.
Nhiều bất cập
Theo phản ánh của những người tiêu dùng, sau một thời gian chuyển đổi từ xăng truyền thống qua sử dụng xăng E5, chỉ thấy bất lợi, chuốc thêm phiền toái. Anh Nguyễn Văn Toàn, một chuyên viên tin học, làm việc tại quận Gò Vấp cho biết, ngay từ khi có chủ trương khuyến khích sử dụng xăng E5, anh đã chuyển qua dùng thử. Những ngày đầu xe chạy bình thường, nhưng sau đó liên tục bị “nấc cụt”. Khi anh đưa đến tiệm sửa xe, thợ máy “phán” hình như bình xăng xe anh có nước lã. “Sau khi anh thợ sửa xe biết tôi có sử dụng xăng E5, trong khi bình xăng vẫn còn xăng Mogas 92, ảnh đã dùng ống rút toàn bộ xăng ra và dặn tôi nếu muốn chuyển đổi sử dụng xăng E5 thì phải sử dụng hết xăng cũ trong bình, có như vậy máy xe mới không bị giật cục. Theo anh thợ sửa xe, nhiều khách hàng cũng gặp tình trạng như tôi. Sau đó, tôi quyết định sử dụng lại xăng truyền thống vì thấy phiền toái quá. Chưa kể, mỗi lần xe hết xăng, tìm được trạm có xăng E5 cũng hụt hơi”, anh Toàn kể lại.
Đổ xăng Ron 92-E5 tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Ngoài rắc rối trong việc chuyển đổi loại xăng và tìm kiếm trụ bơm, nhiều người tiêu dùng cũng không mặn mà sử dụng xăng E5 vì giá cả chẳng rẻ hơn xăng truyền thống bao nhiêu. “Nếu mục tiêu chính của việc chuyển đổi sang sử dụng xăng E5 là bảo vệ môi trường, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ bù giá để một lít xăng E5 có thể thấp hơn khoảng 1.000 đồng so với xăng thông thường, có như vậy khách hàng mới quan tâm. Đằng này, chỉ thấp hơn 300 đồng và đối với các hãng taxi khi sử dụng xăng E5 được bù giá thêm 100 đồng/lít. Mức hỗ trợ bù giá này còn quá thấp, nên doanh nghiệp và người dân chưa mặn mà cũng là điều dễ hiểu”, ông Phạm Văn Sáu, chủ một cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở ngã tư huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước phân tích.
Trong khi đó, việc chuyển đổi sang bán xăng E5 cũng khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn do phải đổi hoặc súc bồn chứa. Nhiều kỹ thuật thay đổi rất phức tạp, doanh nghiệp tư nhân không thể tự làm mà phải thuê người của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. “Tất cả những chi phí đó, doanh nghiệp không được hỗ trợ mà phải tự bỏ tiền túi ra làm, rất tốn kém”, ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp, đặt vấn đề. Tương tự, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, kinh doanh xăng E5 rủi ro cao hơn so với xăng thường. Bởi vì xăng thường không háo nước nên trường hợp bồn xăng bị nước mưa ngấm vào thì xăng và nước tách riêng, dễ dàng lọc được. Còn xăng E5 rất háo nước nên khi gặp nước cả hai loại sẽ hòa quyện vào nhau thành một màu trắng đục, rất khó tách. Đồng thời, nếu bồn xăng E5 để lâu tỷ lệ bốc hơi, hao hụt sẽ nhanh hơn xăng thường.
Tạo chính sách khuyến khích
Hiện cả nước có 3 nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu (E100) tại Phú Thọ, Bình Phước và Quảng Ngãi. Mỗi nhà máy có công suất là 100.000m³/năm với công suất sản xuất E100 tối đa có thể pha chế khoảng 6 triệu mét khối xăng sinh học E5 (xăng thông thường có pha 5% Ethanol biến tính) đủ đảm bảo tiêu thụ cho toàn quốc một năm. Tuy nhiên, hiện việc sản xuất và kinh doanh nhiên liệu sinh học tại Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu, giá thành sản xuất còn cao, do đó xăng E5 chưa thể rẻ hơn so với xăng truyền thống.
Theo ông Lê Xuân Trình, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng sinh học cũng như thu hút thêm các doanh nghiệp khác tham gia phân phối loại nhiên liệu này, Nhà nước cần ban hành các cơ chế, chính sách cho sản xuất và kinh doanh nhiên liệu sinh học nói chung và xăng sinh học nói riêng trong giai đoạn đầu triển khai. Mặt khác, có cơ chế chính sách ưu đãi cho sản xuất kinh doanh xăng E5. Cụ thể, miễn 100% phí xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5; miễn thuế môi trường đối với xăng pha cồn E5 theo quy định của Luật Thuế Bảo vệ môi trường (vì đây là một sản phẩm thân thiện với môi trường); giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông (bao gồm cả phần xăng nền dùng để pha chế xăng E5); áp dụng mức thuế suất VAT bằng 0 đối với sản phẩm đầu ra E100 của các nhà máy nhiên liệu sinh học. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến cho người dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học đối với an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý xăng dầu ở TPHCM cho rằng, hệ thống phân phối đang vướng mắc do phải bán đồng thời hai loại xăng. Nếu tiếp tục bán xăng Mogas 92, hầu hết người tiêu dùng chưa quen với xăng E5 sẽ chuyển qua trụ bơm Mogas 92 đổ xăng. Theo ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Saigon Petro, nếu các cửa hàng xăng dầu tiếp tục bán hai loại xăng Mogas 92 và E5 RON 92 sẽ gặp khó khăn trong kinh doanh như bố trí bồn chứa xăng, trụ bơm xăng E5, mức tiêu thụ thấp do người tiêu dùng chưa quen với loại xăng mới. Do vậy, TP nên yêu cầu các cửa hàng xăng dầu chỉ bán xăng E5 RON 92, không bán cùng lúc với xăng Mogas 92.
LẠC PHONG
>> Xăng E5 - nguy cơ “chết yểu”
>> Khuyến khích sử dụng xăng E5
>> Chuẩn bị lưu thông xăng E5 trên phạm vi cả nước