Phân loại rác từ nguồn là một trong những chủ trương lớn của TPHCM trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm đất, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý hơn. Tuy nhiên, do chính sách thực hiện không đồng bộ, chủ trương lớn này đã tắc ngay ở khâu thí điểm tại quận 6, cách nay 5 năm (năm 2006). Tuần qua, UBND TPHCM đã có cuộc họp để giải quyết vấn đề này.
Phân loại rồi lại trộn chung
Sự không đồng bộ trong chương trình thí điểm chính là việc đầu tư bị… ngắt khúc. Trong khi, để thành công, một trong những yêu cầu căn bản, chương trình phân loại rác từ nguồn phải được thực hiện thống nhất bắt đầu tại hộ dân - chủ nguồn thải, lực lượng trung chuyển rác và cuối cùng là hoạt động xử lý rác.
Tuy nhiên, chương trình thí điểm vừa qua chỉ tập trung chủ yếu cho các hộ dân. Người dân tham gia chương trình được Nhà nước đầu tư 2 thùng rác khác nhau và được hướng dẫn bỏ rác hữu cơ vào thùng riêng với rác vô cơ. Lực lượng thu gom rác và các hoạt động xử lý rác (thời điểm diễn ra chương trình thí điểm là năm 2006) lại không được đầu tư thỏa đáng.
TPHCM có hai đối tượng đi thu gom rác chính, đó là lực lượng thu gom rác dân lập do các đầu nậu rác điều hành và các đơn vị công ích quận, huyện. Hai đối tượng trên phân chia “địa bàn” hoạt động khá rõ ràng. Lực lượng rác dân lập chủ yếu thu gom rác trong các hẻm. Các đơn vị công ích chủ yếu thu gom rác ở các con đường lớn và vận chuyển rác từ các điểm trung chuyển tới các khu xử lý rác.
Trong quá trình thí điểm phân loại rác từ nguồn, chỉ có đơn vị công ích của quận được xem xét đến việc đầu tư phương tiện chuyên chở rác cho phù hợp. Lực lượng thu gom rác dân lập, gần như không được… tiếp sức trong khi đây lại là đội ngũ thu gom rác gặp nhiều khó khăn nhất, gần như không có khả năng tự đầu tư, đổi mới phương tiện.
Quận 6, với đặc trưng hẻm khá nhiều, số hộ dân sống trong hẻm chiếm số lượng khá lớn nên lực lượng thu gom rác dân lập còn là lực lượng thu gom rác chính cho cả khu vực được thí điểm. Lực lượng thu gom chính gặp khó khăn, tất yếu chương trình thí điểm khó mà thành công.
Một lãnh đạo của quận 6, trong cuộc họp đánh giá lại chương trình, được tổ chức tuần qua tại UBND TPHCM đã cho biết, ban đầu người dân hưởng ứng rất tích cực với tỷ lệ chấp hành ở nhiều khu phố lên tới 80%. Thế nhưng, khi thấy rác được phân loại xong, bị đổ chung lại với nhau trong quá trình chuyên chở, nhiều người đã… bức xúc bỏ cuộc.
Phân loại rác từ nguồn là việc tách riêng từ nhà dân hoặc ngay từ các nguồn chủ xả thải khác, từng loại rác khác nhau. Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, ở các quốc gia mà người dân đã hiểu rất rõ lợi ích của công tác phân loại rác từ nguồn, chính quyền có thể yêu cầu người dân phân loại rất kỹ các loại rác. Ví dụ, rác thực phẩm để riêng, giấy vụn để riêng, các loại chai lọ để riêng và chất thải nguy hại để riêng… Tuy nhiên, tại Việt Nam mà cụ thể là TPHCM, do điều kiện kinh tế của thành phố cũng như người dân còn nhiều khó khăn. Việc đầu tư ngay một lúc nhiều loại thùng rác khác nhau là không khả thi nên trước mắt chỉ làm 2 loại thùng rác. Thùng rác để rác hữu cơ và thùng rác để rác vô cơ. |
Hiện nay với hai khu xử lý rác lớn ở Đa Phước (huyện Bình Chánh) và Phước Hiệp (huyện Củ Chi) cùng nhiều nhà máy tái chế rác được xây dựng ở đây như nhà máy của doanh nghiệp Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Xử lý Chất thải rắn Việt Nam, ViệtStar… TPHCM đã “an toàn” trong việc xử lý rác hợp vệ sinh cho đến năm 2020.
Thế nhưng, ở thời điểm của năm 2006, điều này hoàn toàn chưa có. Thấy rác được phân loại mà không được tái chế cũng làm cho không ít người dân tham gia chương trình, nản chí.
Sau những điều nêu trên, việc phân loại rác từ nguồn chỉ còn được phát động thực hiện lác đác tại một số chợ, trung tâm thương mại… cho đến kỳ họp tuần qua.
Làm đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín liên quan đến chương trình phân loại rác từ nguồn. Quan điểm của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, tất cả các nội dung, các đối tượng liên quan đến chương trình đều phải “chuyển động” đồng bộ. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa làm dàn trải, trước mắt chỉ tập trung vào một số đối tượng. Đối với chủ nguồn thải, triển khai thực hiện ngay ở các chợ đầu mối, các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ quan, doanh nghiệp.
Với lực lượng thu gom rác: tập trung đầu tư, đổi mới phương tiện chuyên chở cho các đơn vị công ích. Lực lượng thu gom rác dân lập sẽ từng bước được sắp xếp lại theo hướng vận động vào HTX. Khi các HTX đã ổn định, thành phố sẽ nghiên cứu, xem xét các hình thức hỗ trợ. Theo ông Lê Trung Tuấn Anh, Phó phòng Quản lý Chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường, nút thắt đã được tháo, chương trình phân loại rác từ nguồn nhất định sẽ có bước chuyển. Hiện Sở Tài nguyên - Môi trường đã cho tiến hành phân loại rác từ nguồn tại cả 3 chợ đầu mối của thành phố: Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn. Xe trung chuyển của các đơn vị công ích đã chuyên chở thẳng rác được phân loại cho các nhà máy tái chế đặt tại Củ Chi và Bình Chánh.
Đầu tháng 12-2011 tới đây, 21 siêu thị thuộc hệ thống siêu thị của Saigon Co.op sẽ bắt đầu tham gia chương trình. Sở Tài nguyên - Môi trường đặt ra mục tiêu: trong 2 năm tới phải hoàn thành công tác phân loại rác tại nguồn ở tất cả các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng… những nơi mà các đơn vị công ích đảm nhận chính công tác thu gom rác. Trong thời gian này, lực lượng rác dân lập sẽ được tổ chức lại để có thể bắt đầu công tác thu gom rác đã được phân loại ở các khu dân cư.
AN NHIÊN