Thời kinh tế khó khăn, không ít doanh nghiệp gặp khốn khó, nhưng trong nhiều gia đình Việt, bằng bàn tay khéo léo và đầy sáng tạo, các bà nội trợ lại đang gây dựng những dịch vụ tại gia, được khách hàng ưa chuộng và đem lại nguồn thu nhập khá hấp dẫn.
“Cơm gia đình” lên ngôi
Từ Bến Tre lên thành phố lấy chồng, ban đầu chị Chi (quận 10) làm thợ may. Lương ba cọc ba đồng nên sau khi sinh con, chị nghỉ việc ở nhà để tiện chăm sóc con nhỏ và bố mẹ chồng. Thấy chị nấu ăn ngon, lại sạch sẽ, cô cháu chồng nhờ chị nấu thêm vài suất cơm trưa cho mình và đồng nghiệp ở cơ quan. Cơm nhà nấu, để trong cặp lồng inox ngon lành và sạch sẽ, giá cả phải chăng, được giao tận nơi, đúng giờ dần dà được nhiều công chức tin tưởng. Từ chỗ cơm đặt giao chỉ vài chục suất giờ lên tới cả vài trăm suất. Bảng hiệu “cơm gia đình ra đời”.
Tiếng lành đồn xa. Nhân viên ở các công ty gần nhà ghé ăn cơn, thế là phòng khách gia đình được biến thành phòng ăn. Không khí ở đây không như quán xá, bà chủ thân thiện, khi nào đông người quá thì khách tự vào bếp chọn món, múc cơm, bưng đồ ăn, ăn xong tự tìm bà chủ thanh toán tiền, trà đá trái cây được khuyến mãi. Bếp không nấu quá nhiều, chỉ đến khoảng 12 giờ 30 là hết đồ ăn, các buổi chiều và thứ bảy, chủ nhật bếp nghỉ.
Nguồn thực phẩm ở bếp ăn này luôn là nguồn thực phẩm tươi, đôi khi còn có gạo sạch và đặc sản gửi ở quê lên. Ngày lễ tết khách có thể đặt hàng bánh trái, mứt… do nhà tự làm… Công việc ngày càng phát triển, sau khi trừ lương cho người phụ việc, cơn cho cả nhà 5, 6 người ăn thì hàng ngày chị cũng “bỏ ống” được gần 2 triệu đồng. Hơn đứt lương của đứa cháu làm ở công ty nước ngoài.
Quán bún đậu M&T. Ảnh: Ngọc Uyển
Chị Vân - một công chức về hưu ở quận Phú Nhuận, được mẹ chồng chỉ cho bí quyết nấu các món ăn Bắc. Ban đầu, bạn bè và người quen thường nhờ chị làm món xôi gà cho những ngày lễ Tết. Xôi của chị nấu là gạo nếp Bắc được, gà thả vườn đặt hàng riêng, hành phi, nước xốt xử lý có hương vị đặc biệt… nên khách ăn rồi khó quên. Ban đầu chỉ là những người quen, sau khách đặt hàng quá đông, phải đăng ký, xếp lịch. Chị cho biết: “Nhiều người bảo mình mở quán, nhưng như vậy sợ chất lượng không đảm bảo. Mình cứ làm nhẩn nha như thế này, chăm chút chất lượng món ăn cho khách hàng”. Thu nhập của chị giờ đây ngoài tiền chợ còn có của để dành.
Dịch vụ chất lượng cao hút khách
Lý từ quê lên thành phố từ năm 18 tuổi, học làm nghề chăm sóc tóc và được tuyển dụng vào làm tại một tiệm làm tóc của người Nhật ở quận 1. Sáng dạ và khéo léo, cô rất được lòng khách. Sau 3 năm, người chủ về nước, Lý cũng nghỉ làm nhưng khách quen vẫn cứ liên lạc với cô. Thế là dịch vụ chăm sóc tóc tại nhà ra đời. Căn hộ của cô chỉ khoảng 20 mét vuông ở trong con hẻm quận 3 được ngăn ra một bên để sinh hoạt, còn phòng khách được trang trí trang nhã, yên tĩnh làm nơi làm việc.
Lý chỉ nhận chăm sóc cho từng khách, hẹn theo giờ và chất lượng dịch vụ cao. Trong tiếng nhạc êm dịu, khác vừa được chăm sóc tóc vừa thư giãn. Nguyên liệu dùng cho tóc đây hạn chế tối đa các loại hóa chất, tận dụng thảo dược thiên nhiên, nhiều món được Lý cất công đặt mua từ nước ngoài. Cô chia sẻ: “Em chủ trương dùng thảo dược trước là để bảo vệ sức khỏe cho khách, sau cũng là bảo vệ cho chính mình”. Dịch vụ của Lý luôn đông khách, toàn các khác thuộc hàng VIP và phải lên lịch hẹn khách trước cả tháng. Và thu nhập của cô cũng thuộc hàng… khủng.
Còn chị Phúc (Bình Thạnh) thì lại kiếm tiền khá thoải mái với dịch vụ đo may tận nhà do nắm được nhu cầu của các quý cô bận rộn. Chẳng có cửa tiệm, không quảng cáo nhưng với cách chăm sóc khách tận tình, đo may cẩn thận, trả đồ đúng hẹn, giá cả phải chăng nên chị không bao giờ hết việc do các khách hàng rỉ tai giới thiệu bạn bè, khách quen. Chị tâm sự: “Trước mình thuê mặt bằng ở quận 1, khách đông nhưng sau khi trừ chi phí, tiền công thợ thì thu nhập chẳng báo nhiêu. Bây giờ làm tại nhà, em lại sống khỏe và con có tiền dư”.
Để tự bảo vệ mình và những người thân trước nguy cơ thực phẩm không an toàn, M.A - một công chức luôn tìm kiếm cho mình những địa chỉ ẩm thực sạch, chất lượng cao rồi chia sẻ lên trên mạng với bạn bè và người thân. Dần dà, trang facebook của cô được nhiều bà nội trợ quan tâm. Thế là mỗi khi nhà ai có món ngon, vật lạ đều được giới thiệu rồi mua bán, trao đổi với nhau. Từ đây, không ít bà nội trợ đảm đang đã có thêm nguồn thu nhập. Có dịp dạo chợ này, chúng ta có thể tìm kiếm được nhiều món ẩm thực độc đáo, đặc sản các miền, rau sạch, trứng vịt đồng, nước uống gừng sả, sữa bắp nhà làm…
Những người buôn bán ở đây không vì mục đích tranh thủ làm giàu mà thực lòng họ muốn chia sẻ. Dù là làm chơi, nhưng những lợi nhuận từ những dịch vụ chất lượng cao này là có thiệt. Với nhiều bà nội trợ Việt tài năng và vén khéo, cách làm này vừa giúp họ kiếm sống vừa có điều kiện và thời gian dành để chăm sóc gia đình.
Thu Trân