Vòng lặp drama
Mấy ngày nay, các từ khóa như “Jack J97”, “Jack lên tiếng”, “Jack J97 họp báo”, “Thiên An”, “Mẹ Jack tố Thiên An”, “Đom đóm”… xuất hiện đầy rẫy mạng xã hội. Tất cả bắt đầu từ sự kiện trưa 16-7, ca sĩ Jack J97 (tên thật Trịnh Trần Phương Tuấn) cùng ê kíp tổ chức một buổi họp báo “công bố dự án”. Tuy nhiên, những thông tin liên quan dự án âm nhạc hoàn toàn mờ nhạt khi Jack và mẹ - bà Cẩm Loan xuất hiện và dành hẳn 2 giờ đồng hồ để kể lể, trần tình về ồn ào đời tư, về vụ chậm giao lightstick (một vật phẩm phổ biến trong văn hóa thần tượng).

Buổi chia sẻ gây chú ý dư luận bởi gần 5 năm qua Jack J97 liên tiếp gặp phải hàng loạt bê bối (scandal) từ việc ca hát đến lối sống cá nhân, đặc biệt liên quan đến vụ tố ép buộc bạn gái cũ - diễn viên Trần Nguyễn Thiên An phá thai, đòi bỏ con, chu cấp tài chính cho con “nhỏ giọt”… Điều đáng nói, mẹ của Jack J97 dành hẳn 1 tiếng để công khai vạch trần cái mà bà cho là “sự thật” về bạn gái cũ của con trai trước hàng chục nhà báo, đại diện các kênh truyền thông, mạng xã hội và đông đảo khán giả. Toàn bộ nội dung buổi chia sẻ được livestream trên mạng xã hội của Jack, riêng trên YouTube hiện tại có hơn 1,2 triệu lượt xem.
Không chỉ Jack J97, giới showbiz Việt thời gian qua cũng đầy rẫy những drama (ồn ào) từ nghệ sĩ. Điển hình như vụ xử phạt hoa khôi - ca sĩ Nam Em 37,5 triệu đồng vì nhiều lần tổ chức livestream trên các tài khoản mạng xã hội, kể chuyện tình cảm ồn ào trong quá khứ, tiết lộ góc khuất showbiz. Tiếp đó là ồn ào của nhóm ca sĩ Chi Dân (Nguyễn Trung Hiếu), người mẫu - diễn viên Andrea Aybar (Nguyễn Thị An), Nguyễn Đỗ Trúc Phương (“cô tiên” Trúc Phương) bị bắt tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Ngay sau đó, khán giả cả nước lại một phen bất ngờ vụ hoa hậu - diễn viên Thùy Tiên và các cộng sự quảng cáo sai sự thật, ồn ào tình ái của YouTuber - streamer - nhạc sĩ Virus, rapper Pháo…
Đề cao lối sống tử tế
Những lùm xùm, thị phi từ drama tình ái, “bóc phốt” nhau trên mạng xã hội, phát ngôn gây sốc đến ăn mặc phản cảm, phát tán hình ảnh nhạy cảm trên mạng, bị bắt vì sử dụng chất cấm… khiến không ít khán giả ngao ngán, có cái nhìn tiêu cực về một bộ phận nghệ sĩ.
Giữa vòng xoáy ấy, ranh giới giữa sự thật và cảm xúc cá nhân mong manh, và tài năng không còn là yếu tố quyết định sự thật. Mặc dù ngành công nghiệp biểu diễn, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc đang ngày càng chuyên nghiệp thì rõ ràng, cách xử lý các sự cố truyền thông đã không theo kịp đà phát triển. Điển hình như sự việc Công ty TNHH Nam Thư Entertainment tổ chức “gặp gỡ truyền thông” bị xử phạt hành chính năm ngoái. Cách lập lờ dùng ngôn từ để che dấu hành vi họp báo không xin phép bị giới truyền thông đánh giá là ấu trĩ và thiếu chuyên nghiệp.
Hay như cuộc họp báo của Jack J97, thay vì giới thiệu hành trình nghệ thuật mới, buổi họp báo bị nhiều người đánh giá là biến thành nơi mà “một người mẹ ra sức tấn công một người mẹ khác”. Ở đó, khán giả cả trực tiếp và trực tuyến bị ép buộc trở thành các “chánh án” trong một “phiên tòa” phân xử đúng - sai chuyện đời tư nghệ sĩ. Các bằng chứng được tung ra, nhiều lời biện hộ, buộc tội được nêu lên và dĩ nhiên, khán giả không ai có thể phân định được đúng sai. Và buổi họp báo xử lý khủng hoảng truyền thông đã biến thành một màn hài kịch để những người xem hoặc cười cợt hoặc chia phe tranh luận. Chẳng mấy ai quan tâm đến “sự bình yên của con trẻ”, nạn nhân thực sự của câu chuyện tranh cãi giữa bố và mẹ.
Những câu chuyện về cách ứng xử, lối sống của nghệ sĩ vẫn tiếp tục trở thành chủ đề bàn tán. Các cuộc họp báo hay mạng xã hội không nên là “sân khấu” để nghệ sĩ “trình diễn đời tư”. Thay vì đối thoại, giải quyết chuyện riêng tư êm thấm, văn minh, nhiều người chọn cách làm cho đối phương bẽ mặt, đẩy thị phi lên cao mà quên mất rằng đã mang danh “người của công chúng” thì ngoài tài năng còn cần cả nhân cách tử tế.
Khán giả cũng cần giữ tâm thế trung lập, tiếp cận thông tin có chọn lọc bởi ngoài xã hội có hàng ngàn câu chuyện tích cực hơn là nghe nghệ sĩ “kể khổ”, “tố nhau”. Khán giả cần hạn chế bình luận gay gắt, làm tổn thương người khác khi chưa hiểu rõ vấn đề cũng là cách để xây dựng không gian mạng lành mạnh, nơi mà nhiều câu chuyện cũng cần được lắng nghe một cách tử tế và văn minh.