Ít ai biết, ông cụ cặm cụi đọc viết trong ngôi nhà bình dị trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình chính là Đại tá Lê Hồng Lĩnh, một trong những người viết nên những trang sử vàng chói lọi của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Từ khi ông và 5 đồng chí khác đều là tướng lĩnh quân đội được Tổng cục Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng giao trọng trách viết sử QĐND VN, ông luôn ý thức rõ tầm quan trọng của công việc, bởi lịch sử sẽ lưu truyền mãi đến muôn đời sau. Chính vì thế, ông làm việc miệt mài không kể ngày đêm, lúc này “vũ khí” của ông là khối óc, con tim và cây viết. Có hôm ông viết suốt đêm, cấp trên khen ông viết khỏe, riêng ông nói: “Mỗi khi viết về các trận đánh, tôi như người đang xung trận vậy…”. Nhóm nghiên cứu phải mất đến 9 năm (từ năm 1965 đến 1974) mới xuất bản được tập 1 cuốn sử này.
Đại tá Lê Hồng Lĩnh tâm sự: Điều khiến tôi tâm đắc nhất là chương ghi lại lời Bác Hồ căn dặn quân đội ta phải trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng… Khi viết đến những đoạn miêu tả lòng yêu nước, trí tuệ Việt Nam, trái tim tôi thật sự rung động, tự hào.
Đại tá Lê Hồng Lĩnh nói: “Chính tôi cũng không ngờ mình lại có cơ duyên được tham gia viết lịch sử QĐND VN. Càng nghiên cứu tìm hiểu về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta, tôi càng xúc động, tự hào và xem việc viết sử quân đội là niềm đam mê lớn nhất của đời mình…”. Thật vậy, không tự hào sao được khi ông chứng kiến QĐND VN từ những ngày đầu thành lập, tiền thân là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chỉ vỏn vẹn có 34 người do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Vậy mà sau hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đến nay quân đội ta đã lớn mạnh vượt bậc với cả triệu quân, thật sự là đội quân “binh hùng tướng mạnh” hội đủ các binh chủng, quân chủng hiện đại, sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
Ông bắt đầu viết sử quân đội từ năm 1961, khi được phân công làm Phó phòng Sách chính trị của Nhà xuất bản quân đội. Năm 1965, khi Tổng cục Chính trị thành lập Ban nghiên cứu lịch sử Quân đội, do thiếu người am hiểu về tình hình chiến trường miền Nam nên cấp trên đã phân công ông về. Ông rất ít nói về bản thân, song chúng tôi hiểu rằng để viết lịch sử quân đội không phải dễ, đòi hỏi người viết phải có kiến thức quân sự rộng lớn, có thực tế chiến trường dày dạn và có trái tim yêu nước nồng nàn... Thời trai trẻ, Đại tá Lê Hồng Lĩnh đã từng tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở quê hương, ông được chính đồng chí Nguyễn Văn Linh dìu dắt.
Sau khi thi đậu vào Trường Đại học Dược ở Hà Nội, Lê Hồng Lĩnh phải tạm rời bút nghiên lên đường kháng chiến. Ông trực tiếp tham gia Cách mạng Tháng Tám, rồi toàn quốc kháng chiến… Đến năm 1948, ông cùng đoàn cán bộ lãnh đạo cấp cao của Trung ương do đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm trưởng đoàn vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu và cùng quân dân vùng đồng bằng Nam bộ đứng lên chống giặc. Tại miền Nam, ông được giao làm thư ký riêng cho đồng chí Lê Duẩn suốt 6 năm liên tục, nhờ vậy ông nắm rất chắc tình hình chiến trường miền Nam. Năm 1954, ông được lệnh tập kết ra Bắc và sau đó tham gia “sứ mệnh” viết lịch sử QĐND VN.
MINH YẾN