Khôi phục hệ thống kênh rạch để thoát nước tự nhiên

Chiều 14-9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến  cùng các sở ngành kiểm tra các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước trên địa bàn quận 7 và huyện Nhà Bè.
Khôi phục hệ thống kênh rạch để thoát nước tự nhiên

(SGGP).- Chiều 14-9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến  cùng các sở ngành kiểm tra các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước trên địa bàn quận 7 và huyện Nhà Bè.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, tính đến tháng 7 năm 2016, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 59 trường hợp xây dựng lấn chiếm cửa xả (thuộc 23 tuyến đường), 104 hầm ga (thuộc 41 tuyến đường), 13,854km cống và 394 hầm ga (thuộc 92 tuyến đường), 61 vị trí lấn chiếm lòng, hành lang kênh rạch phục vụ thoát nước.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP kiểm tra các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước ở quận 7 và huyện Nhà Bè

Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cùng đoàn đã khảo sát hàng loạt khu vực bị lấn chiếm cửa xả và kênh rach như: cửa xả số 1 trên đường Nguyễn Hữu Thọ và 2 căn nhà xây dựng lấn chiếm số 793/55/12A và 793/55/12 (đối diện nhà số 38 Nguyễn Hữu Thọ quận 7; rạch ông Đội nhánh 1 trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè); rạch bà Bướm từ hẻm 803/14 đến đoạn 803/14/10 thuộc phường Phú Thuận, đường Huỳnh Tấn Phát; rạch Nò thuộc khu dân cư Sài Gòn Mới, đường Huỳnh Tấn Phát… Theo UBND quận 7, trên đường Huỳnh Tấn Phát hiện có 5 cửa xả bị lấn chiếm, quận xin chủ trương đầu tư (nếu thông qua trong tháng 9 này) nếu thực hiện được 5 cửa xả này và gắn hệ thống van ngăn triều thì tình trạng ngập sẽ được giải quyết. Tổng vốn đầu tư xây dựng 5 cửa xả là 26,7 tỷ đồng.

Sau khi kiểm tra, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu UBND quận 7 và huyện Nhà Bè nơi nào lấn chiếm phải giải tỏa để đảm bảo thoát nước và phải thường xuyên kiểm tra khắc phục, sửa chữa hệ thống thoát nước. Thời gian qua, việc quản lý bảo vệ kênh rạch, hệ thống thoát nước ở địa phương còn yếu kém nên mới dẫn đến tình trạng ngập ngày càng trầm trọng. Quy hoạch tính toán không đồng bộ làm đường không làm cống dẫn đến hậu quả ngập như hiện nay. Ngay cả xây cầu cũng không có hệ thống thoát nước, những công trình lớn hay nhà dân cần phải có công trình dự trữ nước.

Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu quận 7 nghiên cứu lên kế hoạch đề xuất TP phương án giải tỏa nhà trên kênh rạch. Khẩn trương khảo sát, điều tra tính pháp lý từng trường hợp cụ thể để bố trí quỹ nhà để giải quyết dứt điểm khoảng 2.200 hộ dân có nhà trên kênh rạch ngay trong năm nay. Giải quyết được tình trạng nhà trên kênh rạch, trả lại hệ thống thoát nước tự nhiên, đây mới là giải pháp đồng bộ hiệu quả nhất trong việc chống ngập. Làm được việc này sẽ hạn chế được tình trạng nâng đường chống ngập như hiện nay. Quận 7 có 5 dự án thoát nước, hiện có 3 dự án sẽ được triển khai ngay trong năm nay. Kinh phí dự kiến cho 3 dự án này khoảng 100 tỷ đồng. Đối với huyện Nhà Bè yêu cầu chủ đầu tư dự án khu dân cư Sài Gòn Mới khôi phục lại hệ thống thoát nước rạch Nò.

“Từ nay đến năm 2020, TP sẽ tập trung di, dời bố trí tái định cư cho khoảng 20.000 hộ dân có nhà trên kênh rạch. TP đã chuẩn bị nguồn vốn và nguồn lực để thực hiện chương trình này. Mục tiêu hệ thống kênh rạch trên toàn TP phải được khôi phục lại toàn bộ”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục