Sau 4 năm tạm dừng và chỉ tuyển nhỏ giọt, từ giữa năm 2016, thị trường lao động Hàn Quốc được chính thức nối lại, mở ra cơ hội cho hàng chục ngàn lao động Việt Nam đang muốn sang Hàn Quốc làm việc.
Khơi thông nhưng cẩn trọng
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH), thị trường được khơi thông không những mở ra cơ hội đối với nhiều lao động Việt Nam có mong muốn đi làm việc tại Hàn Quốc mà còn với cả những lao động cư trú, làm việc không hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết trước đây những lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc bị bắt sẽ bị phạt hành chính, buộc quay về Việt Nam và cấm trở lại Hàn Quốc trong vòng tối đa 10 năm; những người tự nguyện về nước cũng bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc tối đa 2 năm. Mới đây, những lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu tự nguyện đăng ký về nước trong thời gian từ 1-4 đến 30-9 thì được miễn xử phạt hành chính theo quy định của Hàn Quốc và Việt Nam, đồng thời có cơ hội quay lại Hàn Quốc làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS). Đây là dịp không thể tốt hơn với người lao động làm việc bất hợp pháp muốn có cơ hội để trở lại làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc.
Những động thái trên nhằm khuyến khích lao động Việt Nam đang làm việc, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước, góp phần kéo giảm tỷ lệ lao động làm việc, cư trú bất hợp pháp, vốn là nguyên nhân khiến việc thực hiện Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc (MOU) theo chương trình EPS bị trắc trở. Trước đó, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có lúc lên đến 58% và năm 2012, Hàn Quốc đã tạm dừng MOU. 4 năm qua, việc đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc bị ách lại, thực hiện cầm chừng theo bản MOU đặc biệt chỉ có thời hạn 1 năm. Đến giữa năm 2016, thị trường lao động Hàn Quốc mới được khơi thông bằng việc hai bên tiếp tục ký kết bản MOU bình thường, khi tỷ lệ nói trên được kéo giảm xuống 32%.
Người lao động ghé Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam theo chương trình EPS tại Hàn Quốc sau khi nhập cảnh và đến khai báotự nguyện về nước vào ngày 24-5 Ảnh: TƯ LIỆU
Ngay trong năm 2016, hạn ngạch Hàn Quốc cam kết với Việt Nam sẽ đón khoảng 3.500 lao động. So với tổng chỉ tiêu 56.000 lao động từ 15 nước mà Hàn Quốc đón nhận trong năm 2016 và so với con số vào lúc cao điểm lên trên 10.000 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc mỗi năm thì đây còn là con số còn khiêm tốn. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, sau khi ký kết, hai bên vẫn tiếp tục bàn thảo về tuyển chọn hồ sơ, đào tạo tiếng Hàn… Đặc biệt, yêu cầu mới so với trước đây là tất cả lao động sau khi thi đạt chứng chỉ tiếng Hàn sẽ phải qua đợt kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực. Những người lao động đã thi chứng chỉ tiếng Hàn và những lao động trung thành, có kỷ luật tốt, về nước đúng hạn sẽ được ưu tiên xem xét lựa chọn trước. Được biết, có khoảng 12.000 lao động đã thi chứng chỉ tiếng Hàn từ năm 2011 và người đã làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn, có nguyện vọng trở lại làm việc. Trong bước đi thận trọng, hai bên cũng xem xét tạm thời chưa tuyển lao động tại các địa phương tỷ lệ lao động bỏ trốn cao như Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Tiếp tục giảm lao động bất hợp pháp
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thời gian tới, các cơ quan ban ngành và các tỉnh, thành ở Việt Nam phải tiếp tục các giải pháp để kéo giảm lao động làm việc, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. “Tỷ lệ 32% lao động bất hợp pháp như hiện nay là một tỷ lệ nước bạn Hàn Quốc tạm chấp nhận được, song vẫn là tỷ lệ cao so với các nước khác có lao động sang Hàn Quốc làm việc. Nếu chúng ta không kéo tỷ lệ này xuống nữa, việc thực hiện MOU sẽ bị giới hạn về số lượng lao động, rất hạn chế chứ không phải cả chục ngàn lao động mỗi năm như trước đây”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp, số lao động Việt Nam làm việc, cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc khoảng 15.000 người, trong đó có những người đã sinh sống, làm việc bất hợp pháp từ cả chục năm nay. Song song việc vận động những lao động này về nước, các giải pháp trọng tâm từ nay đến năm 2018 hướng tới những lao động đang làm việc, vận động họ không bỏ trốn ra ngoài làm việc và khi xong hợp đồng thì về nước đúng hạn. Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH), những lao động sắp hết hạn hợp đồng không phải lo lắng nếu doanh nghiệp cũ không tái tuyển dụng, vì nếu không được thì hồ sơ của người lao động vẫn sẽ được giới thiệu tới doanh nghiệp mới lựa chọn.
Nhằm giúp người lao động yên tâm về nước, Trung tâm Lao động ngoài nước tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm, kết nối người lao động sau khi về nước với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Ông Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, nhận xét những hoạt động kết nối như vậy mở ra nhiều cơ hội giúp người lao động về nước phát huy kiến thức, kinh nghiệm thu được trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc.
| |
MẠNH HÒA