Chỉ vài giờ sau khi ông Donald Trump đắc cử, Chính phủ Nhật Bản đã phát tín hiệu sẵn sàng hợp tác với vị Tổng thống mới của Mỹ.
Tokyo đã không muốn bỏ lỡ bất cứ thời gian nào để có thể tiếp cận với vị Tổng thống chưa từng có kết nối với các lãnh đạo châu Á như ông Trump. Mọi kế hoạch chuẩn bị cho chính sách ngoại giao của Nhật Bản dưới thời ông Trump đã được triển khai nhanh chóng. Động thái rõ nét nhất là chuyến thăm Mỹ diễn ra từ ngày 14-11 của ông Katsuyuki Kawai, cố vấn đặc biệt về chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Chỉ 3 ngày sau, ngày 17-11, Thủ tướng Abe sẽ có chuyến thăm Mỹ và có cuộc hội đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump tại New York trước khi lên đường tham dự Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru. Nội dung chính của chuyến thăm là nhằm bày tỏ mong muốn của Tokyo về việc củng cố vững chắc hơn nữa quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, trong bối cảnh khu vực châu Á đang đối mặt với nhiều thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và mối đe doạ hạt nhân từ Triều Tiên vẫn luôn hiện hữu.
Thông qua chuyến thăm, Thủ tướng Abe cũng tỏ rõ thái độ muốn xây dựng quan hệ cá nhân với ông Trump. Đây cũng là cơ hội để ông Trump trao đổi trực tiếp với ông Abe về đường hướng tương lai trong quan hệ Nhật - Mỹ. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Quốc hội Nhật Bản vừa phê chuẩn đã rơi vào tình trạng đóng băng tại Mỹ. Mọi vấn đề liên quan đến TPP sẽ chỉ được thảo luận sau khi chính quyền mới nhậm chức, tức là sau ngày 20-1-2017. Thủ tướng Nhật Bản được cho là cũng sẽ hối thúc ông Trump - người từng phản đối kịch liệt TPP - xem xét lại hiệp định này. Giống như hầu hết các lãnh đạo châu Á là đồng minh của Mỹ, Thủ tướng Abe nhận định chiến thắng khó thoát khỏi tay bà Clinton. Khi đến thăm Mỹ hồi tháng 9, Thủ tướng Abe có cuộc gặp mặt với cựu Ngoại trưởng Mỹ nhưng không sắp xếp một cuộc họp với ông Trump. Đây cũng là lý do khiến chính quyền Nhật buộc phải tăng tốc việc kết nối với chính quyền mới của Washington. Trước chuyến đi của Thủ tướng Abe, tại Washington đã xuất hiện nhiều thông tin tích cực về quan hệ Nhật - Mỹ trong tương lai. Thông tin từ một trong những cố vấn của ông Trump cho biết, cuộc họp giữa ông Trump với Thủ tướng Abe, có thể đánh dấu bước đầu các cuộc thảo luận để huy động sự hậu thuẫn của Nhật nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Á.
Ngoài Nhật Bản, Mỹ vẫn còn những liên minh khác tại châu Á như Hàn Quốc, Philippines, Australia. Giống như Nhật Bản, đa số những nước đồng minh này lo ngại về khả năng liên minh này bị phá vỡ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tuy nhiên, sau cuộc điện đàm chúc mừng ông Trump sau khi chiến thắng, các nhà lãnh đạo châu Á có vẻ yên lòng hơn khi ông Trump cam kết sẽ tăng cường sức mạnh Mỹ cũng như duy trì sự hiện diện của Mỹ ở châu Á. Nhận định về chính sách trong tương lai của ông Trump đối với châu Á, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho rằng, vị tỷ phú Mỹ vừa đắc cử là một người làm ăn và vì thế không nghi ngờ gì về việc ông Trump sẽ nhìn thế giới theo một cách rất thực tế và thực dụng. Các nước đều có những lợi ích quốc gia lâu dài nên cam kết của Mỹ đối với các nước đồng minh và các nước láng giềng sẽ tiếp tục được duy trì.
THANH HẰNG