Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi:

Không cần thiết có kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia

Nhân kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 vừa kết thúc, PV Báo SGGP đã phỏng vấn ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Không cần thiết có kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia

Nhân kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 vừa kết thúc, PV Báo SGGP đã phỏng vấn ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

- Phóng viên: Ông bình luận gì về những dấu hiệu tiêu cực của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?

- Ông Đào Trọng Thi: Về kỳ thi dư luận đã nhìn nhận hết rồi, vẫn còn hiện tượng không nghiêm túc trong kỳ thi, vẫn còn thí sinh mang phao thi, vẫn còn tình trạng quay cóp, giám thị làm lơ cho thí sinh vi phạm... như báo chí phản ánh. Đặc biệt đã có chứng cứ vi phạm tại Bắc Giang.

Theo tôi, đó là những hiện tượng dư luận cho là phổ biến trong kỳ thi, vì vậy cần phải nghiêm túc đánh giá lại. Việc đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong thi cử theo tôi là rất cần thiết. Tôi vẫn cho rằng, chúng ta phấn đấu tổ chức một kỳ thi nhẹ nhàng hơn, không gây áp lực với thí sinh nhưng không có nghĩa là buông lỏng. Công tác coi thi phải nghiêm túc để bảo đảm kỷ luật phòng thi. Nói chung đã thi phải nghiêm túc.

Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 12 làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2012. Ảnh: MAI HẢI

Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 12 làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2012. Ảnh: MAI HẢI

- Không chỉ có các dấu hiệu của một kỳ thi thiếu nghiêm túc, với việc đề thi năm nay được đánh giá là dễ, nhẹ nhàng với thí sinh, dư luận cũng cho rằng ngành giáo dục đang hướng tới một kỳ thi có kết quả đẹp?

- Đề thi về nguyên tắc phải bám sát chương trình. Với chủ trương để phần lớn các em tốt nghiệp THPT đề thi không nên khó, vì đây chỉ là kỳ thi mang tính chất kiểm tra chất lượng học sinh, không có tính chất cạnh tranh như thi vào ĐH-CĐ. Vì vậy, nếu để bảo đảm học sinh trung bình qua được kỳ thi này thì đề thi không cần thiết phải quá lắt léo, khó. Về cơ bản, dư luận ủng hộ đề thi năm nay tốt, mở. Còn bảo đề dễ hay không thì phải có đánh giá một cách khoa học.

- Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ để kiểm tra chất lượng học sinh THPT, lại trong tình trạng kỳ thi còn nhiều dấu hiệu tiêu cực như vậy, ngành giáo dục nên bỏ kỳ thi này?

- Tôi cho rằng học thì phải thi, nhưng nếu để các em chỉ cần học lực trung bình cũng qua được thì đặt vấn đề kỳ thi ở tầm vóc nào cho vừa. Tôi cho rằng, với quy mô dân số lớn, địa bàn trải rộng như ở nước ta, có lẽ không cần thiết phải có một kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia. Mà nên giao cho các địa phương chủ động tổ chức kỳ thi này để tránh những căng thẳng không cần thiết. Nếu giao cho địa phương tổ chức thì địa phương có thể ra đề thi phù hợp với trình độ thực tế của học sinh ở địa phương, đồng thời có thể gắn được với tình hình phát triển thực tế của địa phương, nhu cầu về phát triển nguồn nhân lực. Như thế sẽ tốt hơn. Bởi vậy, tôi nghiêng về phương án giao cho các tỉnh thành thực hiện.

- Nhiều ý kiến ủng hộ giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương nhưng lại lo ngại thi cấp quốc gia mà còn tiêu cực nhiều thế thì về địa phương càng dễ bề buông lỏng?

- Trong tương lai, việc tổ chức một kỳ thi để kết thúc giai đoạn học THPT là cần thiết, thi để cấp bằng cho các em. Nhưng không cần thiết thành kỳ thi quốc gia. Vì bản chất kỳ thi này là không có tính cạnh tranh, cứ em nào đạt điểm là đỗ, chúng ta hoàn toàn không cần khống chế tỷ lệ đỗ như đối với ĐH-CĐ. Kỳ thi này chỉ để chứng nhận việc học sinh đã hoàn thành bậc học phổ thông, vì vậy không cần thiết phải tạo không khí căng thẳng.

Về lâu về dài, chúng ta còn tiến tới phổ cập giáo dục THPT nên giao cho các địa phương là đúng. Thậm chí, sau này việc thi để chứng nhận học sinh tốt nghiệp THPT còn có thể giao cho cấp trường. Bởi sau khi học sinh tốt nghiệp THPT, chúng ta có nhiều con đường khác để phân luồng các em. Em nào khá giỏi thì vào ĐH-CĐ, còn không thì học nghề.

Bộ GD-ĐT cho rằng kỳ thi đã diễn ra bình thường, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế nhưng còn một số bất cập cần khắc phục, trong đó có việc một số cán bộ, giáo viên có biểu hiện thiếu sâu sát, để thí sinh mang tài liệu trái quy định vào phòng thi. Tuy nhiên, nhận định này của Bộ bị báo giới cho là không thỏa đáng vì theo phản ánh của nhiều thí sinh, rất nhiều trường hợp thí sinh được giám thị “làm lơ” cho sử dụng tài liệu, vô tư quay cóp bài.

Dư luận cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 vẫn có nhiều dấu hiệu thiếu nghiêm túc, đỉnh điểm là chiều 4-6 đã xuất hiện video clip về việc gian lận trong phòng thi ở Bắc Giang.


Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục