Trong những năm qua, ĐHQGHN tiếp tục khẳng định vị thế của đại học tốt nhất Việt Nam, trong nhóm 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của các tổ chức xếp hạng uy tín như Tạp chí Times Higher Education và QS. Đặc biệt, ĐHQGHN có 5 lĩnh vực được xếp vào nhóm 500 thế giới của QS là: cơ kỹ thuật, hàng không và chế tạo; vật lý - thiên văn học; kinh doanh & khoa học quản lý, kỹ thuật điện và điện tử.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết thêm, ĐHQGHN đã xây dựng Chương trình ươm tạo tài năng bậc THPT (VNU12+), thí điểm cho phép học sinh từ lớp 10 chọn ngành nghề đại học, được định hướng nghề nghiệp và học sớm một số học phần đại học. ĐHQGHN có chính sách ưu tiên cho những học sinh chọn học các ngành khoa học cơ bản và KH-CN mũi nhọn ngay từ lớp 11.
Để hiện thực hóa mô hình đại học đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác, kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tài chính để huy động các nguồn lực của doanh nghiệp, doanh nhân cùng cộng hưởng với nguồn lực của ĐHQGHN là các chuyên gia, nhà khoa học uy tín tầm quốc gia, quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm KH-CN.
Các nguồn lực ưu tiên của ĐHQGHN trong thời gian tới sẽ tập trung và hoạt động khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao; đầu tư trực tiếp cho các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm và các nhà khoa học xuất sắc.
Với vị thế là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu Việt Nam, ĐHQGHN đã tham gia đóng góp trong việc tham mưu, tư vấn chính sách cho Chính phủ, các cơ quan Trung ương, các bộ ngành và tham gia góp ý quy hoạch của một số địa phương.
ĐHQGHN tập trung nguồn lực để triển khai các chương trình/đề tài khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia với 213 phòng thí nghiệm trong đó có 1 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 10 phòng thí nghiệm cấp ĐHQGHN, 2 trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN, 200 phòng thí nghiệm mục tiêu, chuyên đề và thực hành cơ sở…