
Sau nhiều năm chờ đợi, vị trí xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vừa được xác định tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đây là bảo tàng đầu hệ, tạo tiền đề cho sự phát triển hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên trên toàn quốc (theo Quy hoạch đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt). Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Văn Lực (ảnh), Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
- PV: Thưa ông, xin ông cho biết những nét cơ bản nhất về dự án xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam?

- ÔNG PHẠM VĂN LỰC: Ý tưởng xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã được nhen nhóm từ những năm 1980 với công lao rất lớn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, gần đây chúng tôi mới có được quyết định giới thiệu địa điểm của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội. Theo đó, quy mô diện tích của bảo tàng là gần 10 ha, trong đó hơn 3 ha được dành cho tòa nhà bảo tồn, còn lại là khu trưng bày ngoài trời. Phần trưng bày ngoài trời sẽ bổ khuyết cho phần trưng bày trong nhà bằng những mẫu vật sống động, đặc sắc.
Mong muốn của chúng tôi là không chỉ giúp cho khách tham quan được “sờ vào hiện vật”, mà còn có thể ngửi, nghe, thậm chí tham gia vào hoạt động sống của các sinh vật được trưng bày! Nếu không có gì thay đổi, trong năm nay dự án sẽ được phê duyệt chỉ giới đường đỏ, sau đó chúng tôi sẽ xây dựng quy hoạch tổng mặt bằng và tổ chức một cuộc thi quốc tế về kiến trúc của bảo tàng.
Chúng tôi hy vọng bảo tàng sẽ được bổ trợ bằng những khu vườn bảo tồn động thực vật quốc gia sẽ được thiết lập tại Mê Linh (Vĩnh Phúc) và Hòa Lạc (Ba Vì).
- Phần trưng bày ngoài trời của bảo tàng có gì khác so với vườn thú hay một vườn thực vật?
- Đó sẽ không chỉ là nơi để tham quan, thư giãn mà còn là nơi tổ chức và phục vụ đắc lực các hoạt động nghiên cứu, giáo dục, đào tạo về khoa học tự nhiên. Chúng tôi cũng rất mong được đóng góp vào việc cải thiện tình trạng “dạy chay - học chay” hiện nay trong nhà trường, đem lại hứng thú tìm hiểu khoa học, tìm hiểu thiên nhiên cho học sinh.
- Thời gian thu thập bộ sưu tập mẫu vật phục vụ cho một viện bảo tàng có khi được tính bằng thập kỷ. Công tác này được bảo tàng chuẩn bị ra sao?
- Để hoàn chỉnh một bộ sưu tập mẫu vật quốc gia thì ngay cả những nước công nghệ phát triển, tiềm lực kinh tế lớn cũng phải mất nhiều thập kỷ, đồng thời luôn phải có sự cập nhật, bổ sung. Song song với việc chuẩn bị xây dựng các công trình, chúng tôi đã và đang khẩn trương xây dựng đề án thu thập mẫu vật cho bảo tàng. Chúng tôi sẽ dựa vào đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu có hiểu biết sâu sắc về thiên nhiên Việt Nam; đồng thời huy động các tác giả có đề tài nghiên cứu về thiên nhiên Việt Nam đóng góp mẫu vật, huy động cán bộ tìm kiếm, thu thập mẫu vật trong dân… (chẳng hạn như ở Ninh Thuận, ngư dân đã lưu giữ và lập đền thờ hàng trăm bộ xương cá voi mà họ kính cẩn gọi là Cá Ông). Sự hợp tác quốc tế cũng sẽ được chúng tôi đặc biệt coi trọng.
Hiện nay, hệ thống bảo tàng thiên nhiên của các nước trên thế giới có sự cộng tác và phối hợp rất chặt chẽ với nhau, có chế độ luân phiên triển lãm để đa dạng hóa hình thức trưng bày, phát huy hiệu quả tối đa của các bộ sưu tập mẫu vật. Mới đây một nhà khoa học Bỉ khi biết Việt Nam xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên đã hứa sẽ hỗ trợ bằng cách cho chúng tôi mượn bộ sưu tập mẫu vật rất quý của ông về khủng long trong nhiều năm…
- Theo Quy hoạch phát triển hệ thống bảo tàng thiên nhiên đến năm 2020 đã được phê duyệt, sau bảo tàng ở Mễ Trì còn có những bảo tàng nào khác sẽ được xây dựng?
- Trước mắt là 4 bảo tàng cấp khu vực, tiêu biểu cho 4 vùng khí hậu – địa lý khác nhau, đặt tại TPHCM, TP Đà Lạt, TP Huế và TP Điện Biên Phủ. Sau đó sẽ phát triển tại từng địa phương, từng ngành và cơ sở (như tại các trường đại học, viện nghiên cứu) vào thời điểm thích hợp.
- Xin cảm ơn ông.
ANH THƯ thực hiện