Những cơn mưa đầu mùa đã bắt đầu dội xuống TPHCM. Người dân thành phố lại tất tả chuẩn bị chống ngập trước một mùa mưa mà theo dự báo của nhiều chuyên gia, do ảnh hưởng của biến đối khí hậu (BĐKH) sẽ mưa nhiều hơn, lớn hơn. Làm gì để chống ngập và thích ứng với BĐKH hiệu quả? Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý Nước và BĐKH thuộc Đại học Quốc gia TPHCM - đơn vị đang tiến hành nghiên cứu và xây dựng quy hoạch không gian điều tiết nước cho TPHCM.
Kiểm soát dòng chảy của nước
* PV: Thưa ông, nội dung chính mà quy hoạch không gian điều tiết nước cho TPHCM là gì?
* PGS-TS Hồ Long Phi: Đúng như tên gọi của nó, quy hoạch đề cập đến tất cả các giải pháp có thể điều tiết nước, chống ngập cho TPHCM. Các giải pháp này sẽ bao gồm các bài toán về xây dựng công trình như làm cống, làm đê, làm hồ điều tiết… và các giải pháp thích ứng mềm như tận dụng các vùng đất thấp để trữ nước, đặt các vật liệu có tính thấm hút nhanh bên dưới các vỉa hè, hạn chế tình trạng bê tông hóa… Nói tóm lại, có thể nói đây là một quy hoạch để kiểm soát dòng chảy của nước, không để nước chảy “tùy thích”, hạn chế đến mức tối đa khả năng nước gây ngập và ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người dân.
* Việc kiểm soát này sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?
* Tùy từng trường hợp và khu vực cụ thể, sẽ có những giải pháp kiểm soát phù hợp. Ví dụ, ở các khu vực cao, ngoài hệ thống cống thoát nước, có thể làm thêm các hồ điều tiết nước trong công viên. Ở vùng thấp, có thể tạo đường dẫn nước mưa trữ tạm trong các khu đất nông nghiệp (mỗi khi có mưa lớn). Trong khu dân cư hiện hữu, có thể vận động người dân làm thêm hồ trữ nước mưa. Trong các cao ốc, nên sử dụng hầm ngầm làm nơi tạm chứa nước trong tình huống nước về quá nhiều, hệ thống cống không thoát kịp... Các giải pháp được triển khai ở mức độ nào, sẽ được tính toán dựa trên khả năng bị ngập của toàn thành phố và từng khu vực. Về cơ bản, sẽ lấy lượng nước ngập trên toàn thành phố “phân bổ” về cho từng khu vực. Sự phân chia thành từng khu vực sẽ được cân nhắc với nhiều yếu tố như địa hình, địa lý, lưu vực các kênh, rạch… Dựa vào đặc điểm của chính mình, các khu vực sẽ phải tiếp tục “phân bổ” lượng nước phải tạm trữ (khi cần thiết) cho từng công trình trong khu vực. Ví dụ, trong khu vực có hồ điều tiết nước thì hồ điều tiết sẽ phải điểu tiết nước ra sao? Cống thoát nước sẽ tiêu thoát bao nhiêu nước? Bao nhiêu nước còn lại sẽ được cho thấm tự nhiên xuống đất, qua các vỉa hè có đặt vật liệu thấm hút nước nhanh… Phân bổ trách nhiệm rõ ràng cho từng công trình như vậy cũng có nghĩa trách nhiệm chống ngập đã được quy cụ thể cho từng tập thể, cá nhân - chủ đầu tư các công trình này. Trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, công tác chống ngập sẽ đạt hiệu quả cao.
Giải pháp công trình luôn có những giới hạn
* TPHCM đã và đang đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng hệ thống cống thoát nước và đê bao dọc sông Sài Gòn. Sắp tới, khi quy hoạch chống ngập của Bộ NN-PTNT được thực hiện, TPHCM còn được bao quanh bởi hàng chục kilômét đê bao nữa… Được bảo vệ chắc chắn như thế, tại sao lại còn phải thực hiện nhiều giải pháp chống ngập khác nữa?
* Chúng ta đã có bài học của Bangkok (Thái Lan). Bangkok cũng đã được bảo vệ bởi một hệ thống đê rất vững chắc. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của BĐKH, mưa bão xảy ra nhiều hơn, hệ thống đê vững chắc của Bangkok đã trở nên quá tải, không ngăn được lượng nước cao hơn mức nước được thiết kế cho công trình và hậu quả là nước đã tràn vào Bangkok, gây ngập tại thành phố này. Không ai có thể dám chắc rằng, hệ thống cống thoát nước và đê bao của TPHCM lại không gặp tình huống như hệ thống đê bao của Bangkok… Mặt trái của các giải pháp công trình là thế. Khả năng chống đỡ của các công trình luôn bị giới hạn trong các thiết kế của công trình trong khi đó thiên nhiên thì khôn lường, nhất là trong thời kỳ BĐKH như hiện nay. Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp công trình, TPHCM sẽ phải áp dụng thêm nhiều giải pháp chống ngập mang tính chất thích ứng mềm khác nữa.
* TPHCM đã có hai đồ án quy hoạch thoát nước. Một đồ án quy hoạch thoát nước mưa và một đồ án quy hoạch thoát nước triều và lũ. Hai đồ án này sẽ được tích hợp như thế nào trong đồ án quy hoạch về điều tiết không gian nước, thưa ông?
* Chúng tôi sẽ rà soát lại hai đồ án thoát nước, chống ngập đã được lập. Phần nào còn khả thi thì sẽ được tích hợp với đồ án quy hoạch không gian điều tiết nước. Phần nào không còn khả thi, nhất là phần quy hoạch các hồ điều tiết nước, do có nhiều thay đổi trên thực tế, không còn khả năng giải phóng mặt bằng để làm hồ nữa thì chúng tôi sẽ kiến nghị điều chỉnh.
* Một câu hỏi cuối thưa ông: TPHCM đã lập nhiều đồ án quy hoạch nhưng một phần không nhỏ trong đó không thực hiện được. Ngay như đồ án chống ngập do mưa đã được lập cách nay hơn 10 năm nhưng phần làm hồ điều tiết gần như không thực thi được… Để không đi vào con đường mòn này, ông có tính toán đến khả năng đồ án quy hoạch không gian điều tiết nước sẽ được triển khai thực hiện như thế nào không?
* Về nguyên tắc, Trung tâm Quản lý Nước và BĐKH chỉ đề xuất ý tưởng, yêu cầu chung cho việc quản lý nước và chống ngập. Tuy nhiên, Trung tâm Quản lý Nước và BĐKH cũng sẽ đề xuất các giải pháp thực hiện mà trọng tâm trong đó là phải lồng ghép việc thực hiện quy hoạch trong các kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị.
* Xin cảm ơn ông!
AN NHIÊN