Diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, không theo quy luật như trước, do vậy chúng ta không thể chủ quan - ngay cả với TPHCM là địa phương rất ít bị thiên tai. Một vụ cây xanh bật gốc ngã đè học sinh vừa qua cũng đủ làm mọi người phải thảng thốt, đau lòng, huống chi những hậu quả liên quan biến đổi khí hậu và thời tiết như bão, dông lốc, sét, lũ quét, sạt lở đất...
Thực tế ở nước ta từ đầu năm 2020 đến nay đã có nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu phức tạp, cực đoan, bất thường, như mưa to kèm dông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, và chiều 25-4 đã có mưa đá ngay tại TPHCM; hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở Nam bộ, Trung bộ; nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước từ đầu năm đến nay đều cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung ở khu vực Trung bộ và phía Nam; có nguy cơ lũ tại các sông ở khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai ở nước ta từ đầu năm đến nay đã gần 3.183 tỷ đồng. Tình hình biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp như vậy đang đòi hỏi chúng ta phải thực hiện khẩn trương các biện pháp ứng phó thiên tai. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 42 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, có nhiều việc quan trọng cần làm ngay để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai: hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan; nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bố trí nguồn chi ngân sách, kết hợp xã hội hóa các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài nước để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Những bài học hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19 nên áp dụng, phát huy trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Cụ thể là: xây dựng kế hoạch ứng phó với từng tình huống cụ thể để không bị động; tăng cường quản lý, kiểm soát an toàn đê điều, hồ chứa và những nơi trọng yếu để giảm nguy cơ; có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở những nơi có nhiều rủi ro bão, lũ, sạt lở bờ biển, ngập nước đô thị, và bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt; phổ biến, cập nhật thông tin để cán bộ và nhân dân có kiến thức và ý thức ứng phó, không chủ quan, lơ là; huy động có hiệu quả các nguồn lực; quan tâm công tác nghiên cứu khoa học, tìm giải pháp ứng phó phù hợp, nương theo quy luật; thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước khi thiên tai xảy ra.
Bài học về việc huy động trách nhiệm và hành động của cả hệ thống chính trị là một bài học rất quan trọng. Những địa phương, những lĩnh vực có biểu hiện lơ là, chủ quan trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phải bị kiểm điểm, chấn chỉnh; các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên để xảy ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản do thiếu quan tâm ứng phó thiên tai phải bị xem xét trách nhiệm.
Môi trường thiên nhiên trên hành tinh của chúng ta đang phải chịu nhiều sự can thiệp, tác động, trở nên thiếu cân bằng. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Do vậy, chúng ta không thể để xảy ra tình trạng lơ là, lúng túng trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.