Không chuyển đổi toàn bộ số nhà

Ngày 29-3, tại Hội nghị về công tác đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn TPHCM, Sở Xây dựng TP đã phổ biến nhiều thông tin mới, liên quan đến đời sống của người dân.

Ngày 29-3, tại Hội nghị về công tác đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn TPHCM, Sở Xây dựng TP đã phổ biến nhiều thông tin mới, liên quan đến đời sống của người dân.

Cấp số nhà không gây xáo trộn

Lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho biết, thống kê từ năm 2012 đến nay, thực hiện quy chế đánh số và gắn biển số nhà (cấp số nhà) theo Quyết định 22 của UBNDTP, toàn TP cấp mới 142.000 và điều chỉnh 75.000 căn nhà. Đến thời điểm này TPHCM cơ bản đã ổn định trật tự số nhà, một số khu vực sẽ tiếp tục thực hiện đến cuối năm nay.

Đến thời điểm này TPHCM cơ bản đã ổn định trật tự số nhà

Ông Đỗ Phi Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thực hiện quy định trên, việc cấp số nhà phải đảm bảo tính khoa học, không còn tình trạng lộn xộn, bất cập; đảm bảo tính văn minh, mỹ quan đô thị; quy về một đầu mối là UBND quận - huyện mới được cấp. Việc cấp, điều chỉnh số nhà phải thuận lợi, không gây xáo trộn đời sống của người dân, đặc biệt là không điều chỉnh tất cả các hồ sơ giấy tờ liên quan, chỉ thực hiện theo nhu cầu của người dân. Nói chung, việc cấp số nhà phải dễ tìm kiếm, từ đó phục vụ cho cung cấp điện, cung cấp nước và các loại dịch vụ khác cho người dân thuận lợi, dễ dàng hơn. Về những khu vực ít có số nhà lộn xộn chưa điều chỉnh đợt này là do chủ trương thống nhất ổn định trật tự số nhà hiện hữu nội đô, vì đổi số nhà sẽ dẫn xáo trộn, tuy nhiên những tuyến đường quá lộn xộn, quá bất hợp lý thì phải điều chỉnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương vẫn nêu nhiều vướng mắc. Huyện Nhà Bè tồn tại một số tuyến hẻm với những số nhà nhiều xuyệt, đặc biệt có nơi lên tới 6 xuyệt như 1806/127/2/6/15/48/5 Huỳnh Tấn Phát, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè. Nguyên nhân là do các tuyến hẻm gấp khúc đã hình thành từ lâu, gây khó khăn cho người dân trong thực hiện những việc liên quan đến số nhà. Đại diện huyện Bình Chánh cho biết, đối với khu Nam, chủ yếu là xã Bình Hưng, xã Phong Phú có nhiều quyết định thu hồi đất để làm dự án hơn 20 năm qua nhưng vẫn bất động. Theo chỉ đạo của TP, huyện đã tiến hành cấp số nhà nằm trong các dự án trên bắt đầu từ năm 2014 đến năm 2016 nhưng nay ngưng lại, vì lý do biến động nhân sự. Tiếp đó, diện nhà xây dựng không có giấy phép và trên đất chưa phải là đất ở từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-5-2009, huyện tiếp nhận hồ sơ rất nhiều, từ đầu năm đến nay mặc dù tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ nhà xin cấp số nhà nhưng cũng ngưng luôn, vì thay đổi nhân sự. Về nhà chung cư, huyện có kiểm tra và phát hiện một trường hợp chung cư Conic “né số 13”. Lẽ ra, đánh số thứ tự tầng 12, rồi lên tầng 13 nhưng vì lý do tế nhị chủ đầu tư bỏ số 13 mà thay bằng tầng 12A. Lãnh đạo quận Tân Bình đề xuất đặt tên một số tuyến đường mới ở khu vực sân bay, ở khu vực cống lở phường 15 nhưng đến nay chưa có phản hồi…

Trả lời thắc mắc về dự án chung cư không đánh số tầng số 13, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, không quá cứng nhắc, máy móc, bởi không có quy định nào cấm. tùy theo từng khu vực, đặc điểm khu dân cư, theo thực tế của người dân mà thẩm quyền của UBND các quận huyện quyết định. Về tuyến đường chưa có tên là trách nhiệm của Sở Văn hóa - Thể thao, vì cơ quan này thường trực hội đồng đặt và đổi tên đường. Thực tế cho thấy có tuyến đường không đúng, cần phải đổi tên. Thành phố đã tổ chức triển khai đề tài nghiên cứu tên đường do các giáo sư - tiến sĩ tham gia. Có những tên đường buộc phải thay đổi, bởi vì trong lịch sử không có tên đó. Ví dụ thực tế có tên đường Nguyễn Duy Dương nhưng lục trong sử sách chỉ có tên Võ Duy Dương, một anh hùng, nhân vật lịch sử. Hoặc tại Củ Chi có đường Hai Bà Mẹ, sau này lại nhầm đổi thành Hai Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, kiểm tra lại thì hai bà mẹ đó không hề có tên là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Công trình vi phạm: Trường hợp nào được cấp số nhà?

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, những công trình sai phép vẫn được cấp số nhà vì có phép. Đối với công trình không phép, UBNDTP vừa có văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm trường hợp này, trước mắt sẽ không cấp số nhà, sau khi xử lý, nếu công trình đó thuộc diện được tồn tại thì mới cấp số nhà.

Thời điểm công trình xây dựng vi phạm nào được cấp số nhà? Theo quy định hiện hành, các công trình vi phạm xây dựng xảy ra từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-5-2009, sở đã có văn bản hướng dẫn, nếu không thuộc diện phải tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ thì cấp số nhà. Đối với trường hợp sau ngày 1-5-2009 đến nay, Nghị định 121 Chính phủ có hiệu lực ngày 30-11-2013 quy định, công trình nào đạt 4 yêu cầu sau sẽ xem xét để cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng: không vi phạm chỉ giới xây dựng, không có tranh chấp, được xây dựng trên đất có chủ quyền, không ảnh hưởng đến các công trình lân cận. Bên cạnh đó, chế tài đi kèm là nộp phạt 2 lần, trước tiên là nộp phạt vi phạm hành chính, thứ hai là buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ… Với những công trình như vậy, được cấp số nhà. Còn những công trình nằm trên đất nông nghiệp không có giấy phép, thuộc diện phải tháo dỡ thì không cấp số nhà.

Đối với những trường hợp có quyết định thu hồi đất nhưng dự án không triển khai, nhà có trước khi có dự án được phê duyệt thì tiến hành cấp số nhà cho người dân. Về việc người dân cấp số nhà mới nhưng vẫn còn để song hành số nhà cũ, quận huyện vận động tuyên truyền, thuyết phục, bởi vì không có chế tài.

 Ý tưởng mới, chưa được khẳng định

Tại buổi hội nghị, ông Nguyễn Minh Nam, Phó giám đốc Công ty cổ phần tin học - bản đồ Việt Nam đã trình bày ý tưởng liên quan đến mã nhà thông minh. Cách làm truyền thống bên phải là số nhà chẵn 2, 4, 6, 8; bên trái là số nhà lẻ 1, 3, 5, 7… Còn cách đánh mã nhà mới này dựa theo mép đường, tính từ chuẩn đường góc zero đi về phía trước. Nhà đó nằm ở bao nhiêu mét so với con đường và căn cứ số mét mà cho số nhà. Ví dụ, căn nhà cách điểm chuẩn của tuyến đường 40m, sẽ cho số là 40; tương tự tính phía bên kia đường sẽ là số lẻ. Cách tính này có lợi thế là, trên cùng tuyến đường chính thì không có chữ mà chỉ có số, thay hẻm bằng chữ A, B, C; không có tình trạng chừa số; tránh việc trùng số nhà trên cùng tuyến đường… “Đây chỉ là tư vấn giới thiệu, để lấy ý kiến, sắp tới sở sẽ tổ chức nhiều đợt lấy ý kiến, các chuyên gia, các nhà khoa học để nghiên cứu. Không có chuyện TPHCM đổi toàn bộ số nhà, hoặc Sở Xây dựng đang đề xuất đổi số nhà toàn bộ. Chỉ là ý tưởng, có cái mới, nhưng chưa phải là chủ trương, chưa được thẩm định. Phương án này bên cạnh nhiều ưu điểm thì có bất lợi, đó là đường càng dài thì mã nhà càng to, hẻm nhiều ngõ ngách thì sắp xếp thế nào?”, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM khẳng định.

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục