Không có “công thức chung” trị sạt lở

Mặc dù thời gian “cao trào” về sạt lở theo quy luật hàng năm đã trôi qua, nhưng cơ quan chức năng của TPHCM vẫn liên tục cảnh báo về nguy cơ này.
Không có “công thức chung” trị sạt lở

Mặc dù thời gian “cao trào” về sạt lở theo quy luật hàng năm đã trôi qua, nhưng cơ quan chức năng của TPHCM vẫn liên tục cảnh báo về nguy cơ này.

Diễn biến khó lường

Các chuyên gia cho rằng theo quy luật thường niên, mùa sạt lở ven sông kênh rạch trên địa bàn thành phố tập trung từ tháng 6 đến tháng 8, bởi đây là thời điểm có mực nước chân triều rút xuống thấp nhất trong năm. Đối chiếu lại những năm gần đây nhất, người ta nhận thấy mực nước chân triều đo đạc được tại các trạm An Phú, Nhà Bè đều rất thấp trong các tháng 6, 7 và 8. Nếu như trong tháng 3 mực nước chân triều tại trạm An Phú dao động ở ngưỡng -1,78m và tại trạm Nhà Bè là -1,96m thì con số đó của tháng 6 lần lượt tương ứng tại hai trạm là -2,27m và -2,58m; sang tháng 7 là -2,19m tại trạm An Phú và -2,62m tại trạm Nhà Bè! Nói cách khác, hiện tượng sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch và kể cả bờ biển trên địa bàn thành phố đã xảy ra từ lâu và thuộc loại “bệnh” kinh niên dai dẳng khó chữa.

Một khu đất bị sạt lở gần cầu Kinh, quận Bình Thạnh. Ảnh: KIM NGÂN

Một khu đất bị sạt lở gần cầu Kinh, quận Bình Thạnh. Ảnh: KIM NGÂN

Số liệu thống kê mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM, hiện nay toàn thành phố ghi nhận được 50 vị trí thuộc loại có nguy cơ cao về sạt lở, kéo dài khoảng 30km, trong đó chủ yếu là những điểm sạt lở bờ sông, rất ít điểm sạt lở bờ biển.

So với cách đây vài năm, số lượng vị trí có nguy cơ sạt lở tuy có giảm đi đáng kể, từ 100 vị trí thống kê vào tháng 8-2009 đã tụt xuống còn 42 năm sau đó và khoảng 50 vị trí như hiện nay, nhưng bản chất vấn đề vẫn hầu như không thay đổi. Đơn giản là vì toàn bộ các “điểm nóng” có nguy cơ sạt lở này đều nằm ở những vị trí nhạy cảm, lại dàn trải trên địa bàn nhiều quận huyện, chẳng hạn như tại khu vực cầu Giồng Ông Tố, đường Nguyễn Thị Định - quận 2; bờ kênh Tẻ tại khu vực bến xe buýt ở quận 4; khu vực bến đò Long Đại trên sông Tắc - quận 9; khu vực từ nhà hàng Gấu Misa đến đầu tuyến kè Lasan Mai Thôn thuộc quận Bình Thạnh; khu vực bến đò Bình Quới, phường Linh Đông quận Thủ Đức; khu vực cầu Hiệp Phươc, cả về phía hạ lưu lẫn thượng lưu thuộc huyện Nhà Bè; bờ tả sông Soài Rạp tại khu vực phà Bình Khánh…

Hậu quả của tình trạng sạt lở đất ven sông, kênh, rạch và bờ biển lại rất đáng quan ngại. Vụ sạt lở mới đây nhất xảy ra vào lúc 22 giờ ngày 28-8 tại khu vực ngã 3 sông gần cầu Rạch Dơi thuộc ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM làm 1 người chết và nhấn chìm 5 căn nhà xuống sông. Trước đó khoảng 23 giờ ngày 1-7, tại khu vực rạch Xóm Củi (ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) cũng bất ngờ xảy ra sạt lở. Chỉ trong phút chốc hàng loạt căn nhà ven rạch này đã đổ xuống nước, trong đó có 7 căn bị sụp hoàn toàn, gần chục nhà khác hư hỏng nặng. Ngoài những thiệt hại vật chất có thể đo đếm thì cũng có những thiệt hại vô hình về tinh thần không thể nào tính đúng tính đủ.

Phải linh động

Giám đốc Ngô Quang Mãnh của Khu đường thủy nội địa TPHCM, tức Khu đường sông trước đây – một trong những đầu mối có chức năng giải quyết nạn sạt lở, nhận định rằng có hàng loạt nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở, bên cạnh những lý do khách quan ngoài ý muốn cũng có cả tác động chủ quan của con người.

Có thể liệt kê những nguyên nhân đáng chú ý như đặc điểm địa chất, địa hình, chế độ thủy văn, thủy lực dòng chảy, đặc biệt là đặc điểm thủy triều biển Đông đã làm thay đổi đường bão hòa thấm, áp lực thấm, trọng lượng khối đất mép bờ sông hoặc tạo nên những dòng nước xoáy tác động vào vùng hoặc khu vực có nền đất yếu để hình thành các hàm ếch rất nguy hiểm.

Thế nhưng ngoài các yếu tố thuần túy thuộc về tự nhiên như thế còn có hàng loạt tác nhân đến từ chính con người: các hoạt động xây dựng nhà cửa, kho hàng, vật kiến trúc, lập bến bãi sát mép bờ đã làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu.

Từ đó gây ra hiện tượng nén lún, ép trồi khối đất bờ ra mái bờ và phá vỡ tính ổn định kết cấu mái bờ sông. Hoạt động kinh doanh khai thác cát trái phép trên sông, nhất là tệ trạng đào, hút sâu xuống lòng sông, bãi bồi được tích tụ nhiều năm từ đó tạo ra hàm ếch, sạt lở tại chỗ hút đào cát. Đồng thời còn tiềm ẩn nguy cơ làm thay đổi dòng chảy gây nên những xáo trộn bất thường. Công trình bờ kè xây dựng tự phát không theo quy hoạch, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; có những phương tiện giao thông thủy, tàu biển lưu thông tạo sóng hoặc neo đậu tàu và sà lan trái phép gây ra hư hại bờ và cây bảo vệ bờ. Chưa kể đến cây cối mọc dọc bờ, dọc mép sông vốn có tác dụng chắn sóng, tạo ổn định bờ nhưng đã bị phá hoại, làm chết...

Các chuyên gia chỉ ra rằng vụ sạt lở ngày 28-8 vừa qua thực chất là chịu tác động kép của tình trạng gia tải trên mép bờ sông khi nhà cửa ven sông được xây bằng vật liệu khá kiên cố (nhà tường, nền gạch, mái tôn) từ đó vừa tạo trọng lượng đè nặng mặt bờ sông vừa thu hẹp dòng chảy của dòng nước do lấn chiếm ven bờ và nguyên nhân thứ hai là do vị trí sạt lở nằm ngay ngã ba Rạch Dơi – sông Kinh tức là chịu tác động dòng chảy do gặp đoạn uốn khúc sông.

Cả Khu đường thủy nội địa lẫn Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM đều có chung nhận định không có công thức chung để điều trị “dịch” sạt lở, thay vào đó phải tùy từng nguyên nhân mà có giải pháp. Quan trọng hơn, do đặc thù sông nước của TPHCM, ngay cả khi có sự chấp hành tốt những khuyến cáo chỉ dẫn từ ngành chức năng, tình hình sạt lở vẫn còn tiếp diễn, nhưng bấy giờ chắc chắn sẽ không gây nguy hiểm tính mạng, tài sản dân cư. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc người dân chấp hành quy định của Nhà nước về bảo vệ hành lang sông kênh rạch thành phố.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục