Sân khấu 2004

Không có đột phá

Không có đột phá

Vì muốn có những món ăn tinh thần mới trên lĩnh vực sân khấu nên trong năm qua những người làm sân khấu đã dốc sức làm cho bộ mặt sân khấu nước nhà thêm khởi sắc. Nhiều trại sáng tác do Hội Sân khấu Việt Nam tổ chức đã thu hút hàng trăm cây bút đủ loại hình: tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch. Đợt biểu diễn chào mừng 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra khá rầm rộ vào đầu năm và Hội diễn sân khấu Kịch nói cũng tiến hành khá quy mô tại  thành phố Hải Phòng vào cuối năm.

Không có đột phá ảnh 1

Một cảnh trong vở “Thông điệp Điện Biên” của Đoàn kịch Quân đội (giải nhất Hội diễn Kịch 2004).

Nhiều tỉnh và  thành phố cũng có những hoạt động sân khấu sôi nổi trong phạm vi địa phương mình, đoàn nào cũng có từ một đến hai vở mới, nhiều nhất là ở  thành phố Hồ Chí Minh. Sân khấu xã hội hóa IDECAF, Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, cuộc thi tài năng trẻ cải lương và phong trào đờn ca tài tử ở Nam bộ đã gây được sự chú ý của công chúng. Hoạt động nổi bật ở Hà Nội là đợt Hội thảo và kỷ niệm 45 năm nhà hát Tuồng Trung ương và Liên hoan xiếc quốc tế cuối tháng 11-2004.

Tuy vậy, nhìn chung hoạt động sân khấu năm 2004 còn tẻ nhạt, không có những điểm đột phá, không có vở diễn thật hay có sức lôi cuốn người xem như những năm trước. Ngay cả Hội diễn sân khấu Kịch nói được chuẩn bị 4 – 5 năm mà người xem vẫn thất vọng.

Nhiều câu hỏi đặt ra: vì sao nhà nước đã đầu tư lớn cho sáng tác mà kết quả lại không có những tác phẩm hay?

Đó là nguyên nhân của chủ nghĩa bình quân, cào bằng, đầu tư diện rộng mà không đầu tư trọng điểm, không chọn mặt gửi vàng. Ai có đề cương kịch bản là được mời tới trại sáng tác và kết quả như ta thấy, hầu hết những vở kịch, vở tuồng, chèo, dân ca kịch ra đời thiếu sức sống, phi hiện thực, thiếu chất văn học, chất triết luận và chất kịch, như vậy thì sao trở thành vở diễn hay được!

Còn đạo diễn, tác giả thứ hai của vở diễn, cũng rất ít người thực tài và có đủ tri thức để tạo nên những vở diễn có tính hấp dẫn và chiều sâu trí tuệ. Nạn đạo diễn bắt chước nước ngoài những miếng cũ mèm, nạn đạo diễn chạy sô vẫn kéo dài trong nhiều thập kỷ qua, rõ nhất là trong năm 2004. Đạo diễn chạy sô, làm ẩu thì dĩ nhiên diễn viên cũng không đầu tư, khổ luyện để sáng tạo ra những nhân vật có xương, có thịt, có hồn đủ sức rung cảm người xem. Điều này chúng ta có thể thấy ở sân khấu Hội diễn Kịch nói vừa qua, đa số diễn viên diễn ngoại hình (vì nhân vật không thật) và đọc lời thoại như học sinh đọc bài, thậm chí không thuộc.

Nhìn sang lĩnh vực sân khấu ca kịch dân tộc càng não lòng. Cả năm qua rất ít vở mới và không có được một vở hay. Nhìn chung mặt bằng sân khấu dân tộc không thấy một dấu hiệu khả quan nào. Có lẽ vì thế mà các Hội diễn tuồng, chèo, cải lương không thực hiện được bởi lẽ hầu hết các nhà hát, các đoàn không tìm ra kịch bản hay. Đừng đổ lỗi cho khán giả không thích xem kịch. Khi các rạp hát cùng đỏ đèn thì bộ mặt sân khấu đất nước sẽ trở nên rạng rỡ, đời sống sân khấu cùng thăng hoa. Chân lý này dường như ai cũng biết nhưng thực hiện được không dễ khi cơ chế, chính sách của nhà nước trong sân khấu chưa thay đổi.

THU HIỀN

Tin cùng chuyên mục