Nghị định về phòng chống rửa tiền

Không có gì đáng hoang mang

Không có gì đáng hoang mang

Nghị định 74/CP về phòng chống rửa tiền của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-8-2005 đang trở thành chuyện thời sự. Do khái niệm công bố tài chính còn quá mới đối với người dân (Việt Nam) nên tâm trạng lo lắng là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, thực chất vấn đề hết sức bình thường. Cần nhấn mạnh, trong thực tế, gần như không bao giờ ý tưởng “bí mật tài chính” thật sự tồn tại, một khi bạn đã ôm tiền ra ngân hàng để giao dịch.

Không có gì đáng hoang mang ảnh 1

Tham gia chống rửa tiền là hành động chứng tỏ thiện chí hội nhập toàn cầu của Việt Nam.

Đến nay, sau hơn hai thập niên hội nhập, Việt Nam mới bắt đầu có luật chống rửa tiền thì có thể xem là quá muộn so với nhiều nước thế giới. Trong khi đó, rửa tiền là một trong những hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới tội phạm. (Website) Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên Hiệp Quốc (UNODC) cho biết khoản tiền được “rửa” tính trên toàn cầu có thể từ 500 tỉ USD đến 1 ngàn tỉ USD/năm. Theo định nghĩa khắt khe nhất của luật chống rửa tiền, bất cứ ai cố tình che giấu giao dịch gửi-rút tiền của mình đều có thể bị tình nghi phạm tội rửa tiền.

Thử quan sát luật chống rửa tiền tại một nước có hoạt động tài chính lớn nhất và phức tạp nhất thế giới như Mỹ. Tại quốc gia này, các khoản rút-gửi trị giá hơn 10.000 USD đều yêu cầu báo cáo cho Cơ quan Phòng chống Tội phạm tài chính (FinCEN) thuộc Bộ tài chính. Như giải thích của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy trên phương tiện thông tin đại chúng gần đây, việc báo cáo hoạt động giao dịch là công tác của ngành ngân hàng, không đem lại phiền nhiễu gì cho người dân. Tại Mỹ cũng vậy. Ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng nói chung phải lập Báo cáo hoạt động tình nghi (Suspicious Activity Report – SAR) cho FinCEN (đối với giới kinh doanh sòng bài, họ lập báo cáo riêng gọi là SAR-C).

SAR được lập khi ngân hàng – bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ – tình nghi một đối tượng khách hàng tỏ ý cố tình né tránh lập Báo cáo giao dịch tiền tệ (Currency Transaction Report – CTR) mà người ta yêu cầu đương sự phải thực hiện khi tiến hành giao dịch trên 10.000 USD – trong khuôn khổ Luật bí mật ngân hàng Hoa Kỳ liên quan chống rửa tiền. Các tổ chức tín dụng Mỹ bị phạt rất nặng (có thể bị rút giấy phép hoạt động) nếu không thực hiện tốt công tác SAR. Tóm lại, ở Mỹ, cái gì cũng “kê”, cũng “khai” song hiệu quả thực tế là điều không phải bàn cãi.

Trên bình diện quốc tế, chống rửa tiền được liên kết và có liên quan đến nhiều tổ chức, từ Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) đến IMF. Tuy nhiên, bộ máy có tính hệ thống cao và ràng buộc chặt chẽ hiện là Lực lượng phản ứng nhanh tài chính về chống rửa tiền (FATF), được nhóm G-7 thành lập năm 1989. Hiện có 33 thành viên, FATF là bộ máy chống rửa tiền hiệu quả nhất hiện nay bởi liên hệ không chỉ chính phủ sở tại mà còn nhiều cơ quan chuyên trách chống tội phạm (chẳng hạn Cảnh sát Quốc tế-Interpol).

Thử xem vài thành viên FATF có luật chống rửa tiền như thế nào (dựa vào thông tin từ website FATF). Tại Đức, các giao dịch trên 30.000 mark (khoảng 16.700 USD, tính trước thời điểm gia nhập khối đồng tiền chung châu Âu - euro) cũng phải lập báo cáo. Còn tại Ý, tất cả giao dịch hơn 20 triệu lira (chỉ khoảng 12.000 USD trước thời điểm euro) đều không thể thực hiện nếu ngân hàng không lập hồ sơ và báo cáo chi tiết đối tượng giao dịch cho Ngân hàng trung ương.

Và tại Nga, theo Điều luật 174 và 174.1 của Luật liên bang về hoạt động tài chính 115-FZ (trong đó có chống rửa tiền), tất cả giao dịch vượt quá “2.000 lần tỉ lệ lương tối thiểu”, tức khoảng 600.000 rúp, đều có thể bị tình nghi. Là thành viên FATF, Hong Kong hiện nghiên cứu soạn bổ sung luật chống rửa tiền (theo Tân Hoa xã 2-6-2005).

Nội dung dự thảo luật chống rửa tiền của nước này đề nghị rằng, không chỉ các tổ chức tín dụng tài chính mà thêm sáu ngành nghề khác từ nay cũng nằm trong nhóm định chế tài chính liên quan chống rửa tiền – đó là sòng bài, công ty môi giới bất động sản, giới nhà buôn đá quý, công ty dịch vụ tín dụng, luật sư và công ty kiểm toán. Như vậy là không chỉ ngân hàng, các ngành nghề trên cũng phải giám sát và báo cáo chi tiết cho nhà chức trách các hoạt động tài chính của họ.

So với nhiều nước thành viên FATF kể trên, luật chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thật ra không quá nghiêm khắc và gây khó chịu. Tất nhiên cũng chẳng có gì đáng để hoang mang cả. 

MẠNH KIM

Tin cùng chuyên mục