Không đạt mục tiêu dự án kênh Ba Bò

Thảo luận tại hội trường ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra sáng nay 5-7, tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò (quận Thủ Đức) tiếp tục được mổ xẻ.

Xây hồ sinh học chống ô nhiễm lại để... dành

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT khẳng định ý kiến phản ánh kênh Ba Bò (quận Thủ Đức) bốc mùi hôi là sát thực tế. Ô nhiễm trên là do kênh Ba Bò tiếp nhận 3 nguồn thải lớn, gồm: nước thải ở 2 KCN Sóng Thần và 6 khu dân cư (KDC) thuộc tỉnh Bình Dương. Hiện 2 KCN trên đã lắp đặt 2 hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra kênh và dự kiến cuối tháng 7-2017 hoàn thành. Đối với 6 KDC, hiện tỉnh Bình Dương đang tiến hành xây dựng và đưa vào vận hành công trình thu gom, xử lý nước thải. 
"Khi vận hành hệ thống xử lý, TPHCM và tỉnh Bình Dương phối hợp kiểm soát chặt chẽ công tác vận hành. Những doanh nghiệp có hệ thống nhưng không vận hành sẽ bị xử lý theo quy định", ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.
Không đạt mục tiêu dự án kênh Ba Bò ảnh 1 Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng phát biểu thảo luận
Phần trả lời này chưa làm Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm an tâm và đặt vấn đề, dự án kênh Ba Bò đã kéo dài cả chục năm với số vốn đầu tư rất lớn (hơn 740 tỷ đồng - PV) song cho đến nay mùi vẫn cứ hôi và ô nhiễm môi trường vẫn cứ xảy ra.

"Như vậy, mục tiêu đặt ra khi thực hiện dự án này không đạt được. Sự phối hợp triển khai giữa TPHCM với Bình Dương là rất chậm. Ngoài ra, phần trả lời của Giám đốc Sở TN-MT tôi vẫn chưa thấy có điểm ra nên đề nghị làm rõ, nếu không thì đề nghị lãnh đạo UBND TP trả lời thêm", đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, TPHCM đã phối hợp, xác định được nguồn ô nhiễm ở kênh Ba Bò là từ tỉnh Bình Dương đổ vào. Tỉnh Bình Dương đã đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng thực hiện dự án thu gom, xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của 6 khu vực dân cư. Dự kiến đến cuối năm nay, Bình Dương hoàn thành dự án này và khi đó, nước thải sinh hoạt trước khi đổ vào kênh Ba Bò sẽ được xử lý.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm ngắt lời: "Vậy Giám đốc Sở TN-MT có cam kết đến cuối năm nay, kênh Ba Bò có hết ô nhiễm hay không?".

 Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Toàn Thắng nói: "Báo cáo, tinh thần là chúng tôi quyết liệt và cố gắng hết sức". 

Nghe vậy, Giám đốc Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TPHCM Nguyễn Ngọc Công (chủ đầu tư dự án cải tạo kênh Ba Bò) cho hay, ban ngày nước đổ vào kênh Ba Bò không đen, không bốc mùi hôi nhưng ban đêm thì nước chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi thối. Dự án này chậm trễ có nguyên nhân chủ quan và khách quan như chậm trễ giải phóng mặt bằng, điều chỉnh dự án do quy định ngành...
"Để hệ thống vận hành có hiệu quả, hiện trung tâm đang nghiên cứu thiết kế màng chống thấm giữ hồ sinh học và hồ điều tiết. Hồ sinh học chỉ xử lý nước thải sinh hoạt, không thể xử lý nước thải công nghiệp. Do đó, trung tâm chưa thể đưa cùng một lúc hai hồ xử lý vào hoạt động mà cần tính toán phương án ngăn chặn nguồn nước thải từ 2 KCN thấm vào hồ sinh học. Trung tâm cũng thực hiện việc quan trắc nước thải công nghiệp chảy vào kênh trước khi cho hồ sinh học này hoạt động", ông Nguyễn Ngọc Công cho biết.
Nghe vậy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ lo lắng: "Hồ sinh học chỉ xử lý nước sinh học, nước thải công nghiệp vào sẽ hư. Tính tự giác của nhiều đơn vị còn rất kém, có tình trạng xả lén vào hồ của mình là chết rồi. Tôi vẫn chưa rõ phương án tách nước thải công nghiệp cụ thể ra sao? Tôi có cảm giác chúng ta đầu tư, xây dựng hồ sinh học là để dành!".
Trả lời thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin thêm: TPHCM sẽ làm việc với Bình Dương để rà soát, xử lý nước từ hai khu công nghiệp Sóng Thần 1, Sóng Thần 2 xả ra như thế nào mới cho vận hành hồ sinh học kênh Ba Bò.
Không đạt mục tiêu dự án kênh Ba Bò ảnh 2 Người dân bức xúc trước tình trạng ô nhiễm của kênh Ba Bò
Lo ngại xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp quy mô nhỏ

Tại phiên thảo luận tập trung ở hội trường, nhiều đại biểu (ĐB) lo ngại với chỉ tiêu phát triển 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 thì TPHCM sẽ có hàng loạt doanh nghiệp mô nhỏ. Từ đó, các ĐB đề nghị đẩy mạnh các chính sách nâng cao năng lực của doanh nghiệp nằm nâng cao năng lực cạnh tranh và làm đầu tàu cho chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp then chốt.

ĐB Vương Đức Hoàng Quân cho biết, trong tổng số dân số của TPHCM (khoảng 10 triệu người) thì sau khi trừ đi những người chưa đến 18 tuổi, cán bộ công chức... thì còn khoảng 5 triệu người nằm trong nhóm đủ điều kiện lập doanh nghiệp. Như thế, tương ứng với mục tiêu TPHCM phát triển đến năm 2020 (là 500.000 doanh nghiệp) thì cứ khoảng 10 người sẽ lập một doanh nghiệp. Vậy có phải đặc trưng của TPHCM là toàn doanh nghiệp có quy mô nhỏ?
Vì vậy, ĐB Quân đề nghị nên chăng bên cạnh các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa, TPHCM cần thúc đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp quy mô lớn. Các doanh nghiệp lớn này sẽ tích tụ hàm lượng khoa học công nghệ, tích tụ năng lực cạnh tranh trong sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh và làm đầu tàu cho chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp then chốt.

"Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ tồn tại và sản suất, hỗ trợ doanh nghiệp lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh", ĐB Quân đúc kết.

ĐB Phan Thị Hồng Xuân cũng cho rằng số lượng doanh nghiệp không quan trọng bằng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Một vấn đề không kém phần quan trọng là việc doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, TPHCM cần lưu ý, hỗ trợ thêm để doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh.

Trả lời các ý kiến trên, Giám đốc Sở KH-ĐT Sử Ngọc Anh cho biết, ngoài việc tăng về số lượng các doanh nghiệp (hiện TPHCM có 54 doanh nghiệp nhà nước, 6.900 doanh nghiệp FDI và khoảng 310.000 doanh nghiệp các loại khác), TPHCM cũng thực hiện nhiều biện pháp tăng về chất như đối thoại doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong các đôi kích cầu, doanh nghiệp phụ trợ, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp...
Về định hướng của TPHCM là lấy chất lượng tăng trưởng để làm nền tảng cho phát triển kinh tế bền vững, ĐB Võ Thị Ngọc Thúy bày tỏ sự đồng tình và cũng đề cập đến một số yếu tố cần đảm bảo cho tăng trưởng bền vững. Đó là các yếu tố vốn, cơ cấu vốn; chất lượng lao động; chất lượng môi trường, an sinh...

"Theo thống kê, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo là 75% nhưng hiện có bao nhiêu % được đào tạo chất lượng cao, có đáp ứng quy hoạch ngành nghề mà TPHCM mong muốn. Tôi kiến nghị TPHCM có chính sách đào tạo tay nghề trung hạn, dài hạn như giảm thuế cho các doanh nghiệp đào tạo thuộc ngành nghề trọng yếu của TPHCM. Ngoài ra, hiện 70% lao động của TPHCM là từ các nơi nên TPHCM cần có chính sách có liên kết đào tạo liên kết vùng để giảm biến động về cơ cấu lao động cũng như đảm bảo chất lượng lao động tốt hơn", ĐB Võ Thị Ngọc Thúy nêu ý kiến.

Lấy du lịch chữa bệnh làm sản phẩm đặc trưng

ĐB Võ Thị Ngọc Thúy nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2017, du lịch ở TPHCM tăng trưởng 14%, là rất ấn tượng. Đây cũng là ngành sẽ đóng góp nhiều cho tăng trưởng của TPHCM. Tuy nhiên, ĐB Phan Thị Hồng Xuân đề nghị TPHCM cần xác định thế mạnh về phát triển du lịch như du lịch chữa bệnh.

"Tôi rất ủng hộ khi chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó lấy nha khoa làm thế mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố hàn lâm như cơ sở y tế, chất lượng khám chữa bệnh thì cần các yếu tố mềm như cảm xúc của du khách quốc tế", ĐB Xuân đề nghị.

Tương tự, ĐB Vương Đức Hoàng Quân cũng cho rằng ngành du lịch của TPHCM hiện chưa có sản phẩm đặc trưng, dịch vụ nói chung và du lịch làm mũi nhọn.

ĐB Quân cho rằng, TPHCM có cơ sở y tế, trình độ khám chữa bệnh khá tốt. Cạnh đó là các cơ sở lưu trú khá tốt. Từ đó, ĐB Quân đề xuất lấy du lịch khám chữa bệnh làm sản phẩm đặc trưng cho du lịch. Vì vậy, ngành du lịch cần bắt tay với ngành y tế để đưa dịch vụ Nha khoa, điều trị hiếm muộn, đông y châm cứu, bấm huyệt, nam dược và du lịch kết hợp suối nước nóng, nước khoáng làm các sản phẩm du lịch đặc trưng để giới thiệu, quảng bá và thu hút du khách quốc tế đến TPHCM. Đối tượng du khách thì cần tiếp cận từng bước, trước hết là những người Việt ở nước ngoài, kế đến là người nước ngoài làm việc ở Việt Nam.

"Theo thống kê, trên toàn cầu, ngành du lịch chữa bệnh có doanh thu 60 tỷ USD/năm và mức tăng trưởng 20% mỗi năm. Khu vực Nam Á cũng được xác định làm nơi có nhiều tiềm năng khai thác du lịch chữa bệnh", đại biểu Vương Đức Hoàng Quân chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục